BNEWS
Tính đến thời điểm này đã có hơn 60% doanh nghiệp ở Bình Dương có tổ chức công đoàn đã điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong thang, bảng lương mới theo quy định Nghị định 122 của Chính phủ.
Một số doanh nghiệp còn lại đang trong quá trình đàm phán để điều chỉnh lương tối thiểu. Khảo sát mới nhất tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho thấy, mức điều chỉnh tiền lương cho công nhân lao động đối với khối sản xuất thấp nhất là trên 3,7 triệu đồng/người/tháng; cao nhất là 7,5 triệu đồng/người/tháng và bình quân là 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất; trong đó có nhiều doanh nghiệp tổ chức tăng ca ngay từ đầu năm nhằm đáp ứng kịp đơn hàng xuất khẩu.
Hiện hầu hết các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đẩy mạnh sản xuất với số lao động vào ca làm việc đạt gần 100%; trong đó, một số doanh nghiệp có đông lao động như Công ty giày da Chí Hùng với hơn 8.000 người lao động cũng đạt 100% quân số; công ty điện tử Foster có hơn 10.000 lao động cũng vào nhà máy đông đủ…
Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong năm 2016, các doanh nghiệp tại nhiều khu công nghiệp ở Bình Dương vẫn còn thiếu khoảng 45.000 việc làm mới; trong đó phần lớn là nhu cầu tuyển lao động phổ thông.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng giới thiệu việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương) cho hay, hiện trung tâm đang nhận hàng trăm thông báo của các doanh nghiệp dồn dập đăng ký cần tuyển dụng hàng chục ngàn việc làm.
Cụ thể qua đăng ký của các doanh nghiệp thông qua sàn giao dịch việc làm để tuyển dụng lao động đang nhu cầu tuyển gần 25.000 nhân công; trong đó, có nhu cầu cần tuyển gấp 75% lao động phổ thông có tay nghề.
Một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng rất lớn nhân công là ngành chế biến gỗ, xây dựng, văn phòng, dịch vụ vận tải, bảo hiểm, điện tử, may, giày dép, chế biến thực phẩm, cơ khí và bảo vệ.../.