Triển khai đề án sắp xếp báo chí Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025

15:11' - 29/05/2020
BNEWS  Ngày 29/5, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị triển khai Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.
Theo Đề án được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt ngày 22/5, trước khi được sắp xếp lại, Thành phố Hồ Chí Minh có 28 đơn vị báo chí, gồm 16 báo in và 10 tạp chí in, 1 đài truyền hình và 1 đài phát thanh. Trong đó, Báo Công an thực hiện việc sắp xếp lại theo Đề án của Bộ Công an, do vậy, số lượng các cơ quan báo chí cần được sắp xếp lại  đến năm 2025 là 27.

Kết quả, trong giai đoạn 1 từ khi Đề án được phê duyệt đến hết năm 2020, các cơ quan được sắp xếp lại chỉ còn 19 đơn vị, gồm 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình, 7 báo (trong đó có 2 tờ báo tôn giáo), 10 tạp chí - giảm 8 cơ quan báo chí (6 sản phẩm báo chí trở thành ấn phẩm phụ và 2 sản phẩm báo chí trở thành bản tin). Các cơ quan báo in gồm Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Người Lao động, Phụ nữ Thành phố (cơ quan chủ quản là Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh); Pháp luật Thành phố (cơ quan chủ quản là UBND Thành phố); Công giáo và Dân tộc (cơ quan chủ quản là Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố); Giác ngộ (cơ quan chủ quản là Thành hội Phật giáo Thành phố).

Từ năm 2021 – 2025, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, các cơ quan báo chí thành phố sẽ phải nhanh chóng ổn định hoạt động và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo yêu cầu mới. Các đơn vị sẽ tập trung đầu tư ngân sách để nghiên cứu thí điểm xây dựng cơ quan báo chí Thành phố Hồ Chí Minh đa phương tiện làm nòng cốt, đảm bảo yêu cầu thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, có vai trò định hướng thông tin tạo sự đồng thuận trong xã hội, đồng thời định hướng tư tưởng văn hóa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, cho biết, trong Đề án sắp xếp không có cơ quan báo chí nào bị dừng hoạt động, mà chỉ chuyển loại hình và cơ quan chủ quản. Thời gian qua, các cơ quan báo chí thành phố đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của thành phố. Nhưng đôi khi có nơi, có lúc cơ quan báo chí, người làm báo thực hiện chưa đúng chức năng, nhiệm vụ. Việc sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý để phát triển báo chí thành phố theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Tại hội nghị, đại diện một số cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí ủng hộ Đề án và kế hoạch thực hiện quy hoạch lại báo chí thành phố. Tuy nhiên, việc đến cuối tháng 6/2020 các đơn vị phải trình phương án sắp xếp là quá gấp, các đơn vị cần có thời gian để tính toán, sắp xếp nhân sự một cách chu đáo, hiệu quả.

Ông Lê Văn Minh, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, theo kế hoạch, đến ngày 30/6, các đơn vị phải hoàn tất phương án sắp xếp. Ban Tuyên giáo và Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp thu các ý kiến đề nghị lùi thời hạn sắp xếp và sẽ báo cáo lại với các cấp có thẩm quyền để có hướng xử lý phù hợp. Tuy vậy, các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần chủ động sớm triển khai thực hiện, sớm ổn định và hoạt động hiệu quả.

Theo ông Lê Văn Minh, việc triển khai Đề án sẽ tạo ra những xáo trộn, tâm tư, khúc mắc khi thực hiện. Do vậy, lãnh đạo các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần làm tốt công tác tư tưởng, quán triệt tinh thần chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước, Đề án sắp xếp của thành phố./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục