Triển vọng đàm phán Brexit sau cơn bão chính trị tại Anh

05:30' - 17/06/2017
BNEWS Sau ngày bầu cử Quốc hội đầy chấn động, những cơn sóng ngầm vẫn tiếp tục làm chao đảo chính trường London trong bối cảnh Anh chuẩn bị đàm phán với EU về thủ tục Brexit.
Bộ trưởng Anh phụ trách đàm phán David Davis (phải) và Thủ tướng Anh Theresa May (trái) tại một sự kiện ở Halifax ngày 18/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều tờ báo Anh cho rằng quyết định tổ chức tổng tuyển cử sớm là nước cờ sai lầm của Thủ tướng Theresa May. Thủ tướng Anh đã phải xin lỗi các đảng viên đã tổ chức bầu cử trước thời hạn, khiến họ mất ghế. Bà May tuyên bố chỉ ngồi ghế chủ tịch đảng khi nào các đảng viên còn tín nhiệm mình.

Lẽ ra tuần sau Nữ hoàng Anh có bài phát biểu khai mạc Quốc hội theo thông lệ, nhưng cho tới giờ này, nhiều tin tức cho rằng việc đó có thể bị hoãn lại. Đây là một dấu hiệu cho thấy những bất ổn bên trong nội bộ của đảng cầm quyền.

Dù Ngoại trưởng Boris Johnson phủ nhận các tin đồn, nhưng theo báo chí, ông có thể là người chuẩn bị thay thế vị trí lãnh đạo của bà Theresa May. Nhưng bất kể ai sẽ làm Thủ tướng thì đảng Bảo thủ cầm quyền đều sẽ gặp khó khăn khi phải đối mặt với phe đối lập đang được giới trẻ ủng hộ.

Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn, theo báo chí, đang đầy tự tin sau thắng lợi chủ yếu nhờ vào số cử tri trẻ tuổi, hăng hái tham gia làm tăng tỷ lệ người đi bỏ phiếu lần này. Theo đà này chính phủ nhiệm kỳ sau sẽ thuộc về Công đảng. Trong bối cảnh như vậy, bất kỳ ai ngồi vào ghế lãnh đạo nước Anh hiện nay đều sẽ rất bất an và luôn trong tâm bão chính trị.

Ngày 19/6, nước Anh sẽ bắt đầu đàm phán rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), đúng thời điểm kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Pháp đem lại chiến thắng áp đảo cho lực lượng mới của Tổng thống Emmanuel Macron. Tân lãnh đạo Pháp đang kiên quyết bảo vệ mô hình liên minh, vốn là ý tưởng của nước Pháp.

Sau nước Đức giờ lại tới nước Pháp quyết sẽ “không để lại gì” cho nước Anh đã trót ra quyết định rời bỏ con tàu châu Âu. Bên kia bờ Đại Tây Dương, bàn tay của Tổng thống Mỹ mới ngày nào trấn an Thủ tướng Anh nay lại ngỏ ý sẽ không sang Anh vào tháng 7/2017 để tránh những cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng.

Thủ tướng May phải bay sang Bắc Ireland để gặp lãnh đạo đảng Dân chủ Liên hiệp (DUP) nhỏ bé với chỉ vỏn vẹn 10 nghị sĩ trong Quốc hội. Đảng này có lẽ là người bạn duy nhất của Chính phủ Anh trong hoàn cảnh này. DUP không hoàn toàn vô tư mà kèm theo là rất nhiều điều kiện về quyền lợi kinh tế.

Trong khi đó, đầu tàu kinh tế là London thì hầu như đều nằm trong tay của phe Công đảng đối lập. Thị trưởng London cũng đòi một quy chế riêng cho thành phố này trong cuộc đàm phán Brexit. Có thể thấy rõ ràng là nước Anh đang có nguy cơ tan rã thành nhiều mảnh ngay khi mới chỉ chuẩn bị bước ra khỏi mối quan hệ liên kết với EU.

Kịch bản Brexit “cứng” hay “mềm”? Ảnh: AFP/TTXVN

Như vậy, cuộc sống của công dân châu Âu đang làm việc ở Anh sẽ ra sao? Bất kể đảng nào cầm quyền, London đều đã khởi động điều khoản 50 và sẽ phải đàm phán từ tuần sau để ra khỏi liên minh. Người dân bỏ phiếu Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý, nhưng không nhiều người có định nghĩa rõ ràng về Brexit.

Bản thân mỗi nước thành viên châu Âu đều có điều kiện khác nhau trong mối liên kết, ví dụ như Hungary và Ba Lan vẫn dùng tiền riêng, còn nước Anh không hề mở cửa biên giới như hiệp ước Schengen.

Bây giờ là lúc nước Anh đưa ra các điều kiện cụ thể xem muốn rút chân khỏi hiệp ước cụ thể nào, và Thủ tướng Theresa May trước đây muốn ngưng việc phải tuân thủ theo phán quyết của tòa châu Âu, nhưng vẫn giữ nguyên tư cách trong khối thị trường chung châu Âu, quyết tâm không nhân nhượng với các đòi hỏi của Brussels.

Giờ đây bức tường châu Âu cao thêm rất nhiều sau kết quả bầu cử Pháp. Còn vị thế của Thủ tướng Anh kém đi rất nhiều sau thất bại chính trị vừa qua. Chính phủ mới sẽ khó dám đưa ra đòi hỏi gì quá đáng. Lãnh đạo Công đảng đã tuyên bố ngay sau ngày thắng cử là sẽ bảo đảm cuộc sống cho những công dân châu Âu hiện đang làm việc ở Anh, theo hiệp ước tự do cư trú của EU.

Chính điều này là một trong số các tâm điểm tạo ra tranh cãi trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, vì người ta cho rằng công dân từ châu Âu sang Anh làm việc tạo ra gánh nặng cho hệ thống y tế và an sinh xã hội.

Trong bối cảnh tình hình chính trị nội bộ phân rã có thể nói là tối đa, nước Anh sẽ khó đàm phán rời EU theo kiểu trọn gói, mà cũng sẽ rã rời theo từng mảnh một. Ví dụ như đảng Dân chủ Liên hiệp trong liên minh cầm quyền muốn vẫn duy trì đường biên giới mềm với Ireland, tức là một nước trong khối Liên minh châu Âu, cho nên chắc chắn sẽ đòi một ngoại lệ.

Mà nhìn quanh nước Anh thì ai cũng muốn được ngoại lệ như vậy và có thế mạnh riêng để đòi hỏi, như là thái độ thân Âu của xứ Scotland và quyền lợi kinh tế hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào châu Âu như thủ đô London. Do đó, có vẻ như nước Anh sẽ bước vào bàn đàm phán bằng một bản kế hoạch rời vụn, chắp vá và yếu thế từ mọi phía.

Cuối tháng 6/2017, các lãnh đạo EU họp thượng đỉnh mà không có nước Anh, để bàn về các vấn đề như di cư, an ninh, việc làm và đặc biệt nhất là kế hoạch đàm phán để đối phó với đồng minh cũ là nước Anh. Đây là một hình ảnh rõ ràng nhất để dân chúng Anh thấy là họ không còn ở trong khối.

Đã gần đúng một năm kể từ tháng 6/2016 khi nước Anh bỏ phiếu và ra quyết định rời khỏi EU, nhưng có vẻ như nhiều người dân nước này vẫn đang tranh cãi xem có nên Brexit hay không, chứ chưa nhận ra thực tế là nước Anh đã bắt đầu tách khỏi EU vì Thủ tướng đã chính thức khởi động điều 50 để bắt đầu quy trình đó.

Đó cũng là lý do giới trẻ Anh đi bỏ phiếu để thể hiện tiếng nói, bởi họ sẽ là những người phải trả giá nếu đảng cầm quyền gặp sai lầm. Hiện tượng này cho phép nhìn nhận rằng xã hội nước Anh đã có một thay đổi rất lớn ở bên trong và xu hướng này có thể cứu vãn được phần nào mối quan hệ đã tan rã giữa nước Anh và EU.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục