Triển vọng đầu tư của Mỹ vào Cuba

09:23' - 14/04/2016
BNEWS Vào thời điểm này, nhiều doanh nhân Mỹ đang hoạch định chiến lược đổ bộ vào Cuba, “mảnh đất màu mỡ chưa khai phá” và được đánh giá là có tiềm năng kinh doanh lớn nhất tại vùng Caribe.
Du lịch Cuba hiện đang là “mốt”. Ảnh: usnews

Các khách sạn tại thủ đô La Habana, Cuba những ngày này đang trong tình trạng quá tải, không chỉ do chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama hay chuyến lưu diễn của nhóm nhạc rock Rolling Stones mà đã từ vài tuần nay, thủ đô của Cuba luôn “cháy phòng”.

Du lịch Cuba hiện đang là “mốt” và đảo quốc này "ngỡ ngàng" nhận ra hạn chế về hạ tầng cơ sở du lịch của mình.

Trong thời điểm đó, tập đoàn Starwood của Mỹ đã công bố một hợp đồng với Chính phủ Cuba chỉ vài giờ trước khi ông Obama hạ cánh xuống La Habana, thỏa thuận chưa từng có kể từ khi Cách mạng Cuba thành công năm 1959.

Đây là khoản đầu tư trị giá nhiều triệu USD để tái trang bị và quản lý hai khách sạn tại thủ đô La Habana, cũng như nhiều lựa chọn thực hiện dự án khách sạn thứ ba.

Mục đích của hợp đồng đã được Bộ Tài chính Mỹ “bật đèn xanh” trước đó nhằm đưa các cơ sở du lịch trên đạt tiêu chuẩn sang trọng của tập đoàn khách sạn danh tiếng “xứ sở cờ hoa”.

Có lẽ không khó để mường tượng rằng vào thời điểm này, nhiều doanh nhân Mỹ đang đánh giá và hoạch định chiến lược đổ bộ vào Cuba, “mảnh đất màu mỡ chưa khai phá” và được đánh giá là có tiềm năng kinh doanh lớn nhất tại vùng Caribe trong những năm tới.

Những tín hiệu cho tới nay cho thấy, ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư Mỹ tại Cuba là trong lĩnh vực du lịch, với lượng du khách quốc tế tới đảo quốc Caribe này trong năm 2015 đạt mức 3,5 triệu lượt người, tăng 17,4% so với năm trước đó.

Lượng khách Mỹ (trừ những kiều dân Cuba tại Mỹ hiện đã không còn bị hạn chế về quê hương thăm thân) dù về mặt chính thức chưa được tới Cuba theo diện du lịch, nhưng cũng đã tăng tới 77% trong năm qua và đạt 160.000 lượt người.

Những lĩnh vực khác thu hút nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp Mỹ là nông nghiệp, y tế và công nghệ mới – lĩnh vực được nhận định là đặc biệt tiềm năng.

15 tháng sau khi nguyên thủ hai nước tuyên bố tái thiết lập quan hệ ngoại giao, tinh thần lạc quan vẫn đang ngự trị, nhưng các doanh nhân đã bắt đầu cẩn trọng hơn sau những tiếp xúc thực tế ban đầu.

Một mặt là những hạn chế do chính sách bao vây cấm vận gây ra bất chấp một vài biện pháp nới lỏng về thương mại và đi lại; và kể cả trong trường hợp được phép, các doanh nhân Mỹ muốn đầu tư vào Cuba phải thông qua nhiều thủ tục hành chính hơn nhiều so với đầu tư vào các quốc gia khác.

Về phía Cuba, với một hệ thống quy định về đầu tư nước ngoài chưa đầy đủ và chưa hoàn toàn rõ ràng theo các thông lệ quốc tế, cùng những thủ tục đặc thù như không được ký hợp đồng trực tiếp với người lao động bản địa mà phải qua một công ty môi giới nhà nước, cũng tạo ra những cản trở hành chính không nhỏ.

Trong những bước đi vừa qua, rõ ràng chính phủ của Tổng thống Barack Obama đang ưu tiên hỗ trợ các thành phần kinh tế tự doanh, những người hành nghề “tự do” hiện đang chiếm từ 25-30% lực lượng lao động tại Cuba.

Trong khi đó La Habana lại có những mục tiêu ưu tiên khác trong thu hút đầu tư nước ngoài, như các dự án năng lượng tái tạo – trong đó các thành phần kinh tế nhà nước vẫn chiếm vai trò chủ đạo.

Bất chấp việc hai chính phủ theo đuổi những mục tiêu khác nhau, họ vẫn có thể có một không gian giao thoa chung mà các nhà đầu tư có thể tận dụng, vì dù gì, lợi ích trong việc thúc đẩy mối quan hệ này cũng mang tính hai chiều.

Mối quan tâm của Cuba đối với vốn đầu tư của Mỹ là rất rõ ràng, nhất là khi họ đã đề ra mục tiêu cụ thể là thu hút 2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp mỗi năm.

Trong khi đó, riêng trong năm 2015, Bộ Thương mại Mỹ đã cấp cho các doanh nghiệp nước này gần 500 giấy phép được kinh doanh tại Cuba với tổng trị giá 4,3 tỷ USD, mặc dù đại đa số vẫn chưa được triển khai.

Như vậy có thể thấy, dù mọi việc chưa tiến triển nhanh như mong đợi nhưng ít nhất giờ người ta có thể kỳ vọng về những điều mà mới chỉ 15 tháng trước là không thể và xu hướng chung sẽ là chính phủ hai bên tạo điều kiện dần dần cho quá trình phát triển này, giúp quan hệ thương mại – đầu tư trở nên chặt chẽ hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục