Triển vọng khả quan của kinh tế Đà Nẵng nhờ sản xuất công nghiệp

15:50' - 07/08/2024
BNEWS Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của thành phố Đà Nẵng trong 7 tháng qua tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao nhất của 7 tháng kể từ năm 2019 đến nay.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nhưng kinh tế Đà Nẵng đã đạt được những kết quả khả quan. Hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành chế biến, chế tạo, đã ghi nhận mức tăng trưởng ổn định, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nền sản xuất.

Song song đó, hoạt động xuất nhập khẩu cũng đạt được những thành tựu đáng kể, với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bền vững nhờ vào việc đa dạng hóa thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Những kết quả này cho thấy sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thích ứng với những thay đổi của thị trường và nắm bắt các cơ hội mới.

Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, bên cạnh sự hồi phục của ngành du lịch, các lĩnh vực vận tải, xuất nhập khẩu và sản xuất công nghiệp của thành phố Đà Nẵng cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 7 và 7 tháng qua.

 

Cụ thể, trong tháng 7, hoạt động vận tải, kho bãi (không tính vận tải đường sắt, đường hàng không); bưu chính và chuyển phát ghi nhận mức tăng trưởng tích cực đối với cả vận tải hành khách và vận tải hàng hóa.

Doanh thu tháng 7/2024 đạt 2.003 tỷ đồng, giảm 3,3% so với tháng trước và tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng doanh thu toàn ngành ngành vận tải và bưu chính, chuyển phát đạt 13.662 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, vận tải đường bộ tăng 20; vận tải đường thủy tăng 16,2%; các hoạt động hỗ trợ cho vận tải tăng 24,7%; bưu chính và chuyển phát tăng 6,5%.

Cũng trong tháng qua, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục trên đà tăng trưởng tích cực. Ước tính tháng 7-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt 282 triệu USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, xuất khẩu đạt 172 triệu USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu đạt 110 triệu USD, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đạt 1.871,2 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 1.102,7 triệu USD, tăng 3,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 768,4 triệu USD, tăng 24,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2024 tiếp tục duy trì xuất siêu gần 334,3 triệu USD.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2024 tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao nhất của 7 tháng kể từ năm 2019 đến nay. Mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2023 thể hiện tinh thần quyết tâm, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trước bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động phức tạp, khó lường.

Trong đó, có 3/4 nhóm ngành cấp 1 có mức tăng trưởng dương, gồm: sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí (tăng 15,6%); công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,4%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (tăng 3,7%); riêng hoạt động khai khoáng tiếp tục đà giảm (-38,3%) so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2024 tiếp tục đà tăng cao so với cùng kỳ, đạt 14.378 tỷ đồng. Đây là kết quả tích cực, phản ánh rõ nét việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, đồng thời cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn đã và đang dần lấy lại đà tăng trưởng.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20/7/2024 đạt 14.378 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 3.479 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 10.898 tỷ đồng.

Trong tổng thu ngân sách nhà nước, hoạt động thu nội địa tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (88,4%) và là cơ sở để thực hiện cân đối các nguồn chi trong năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục