Triển vọng kinh tế ASEAN trong năm 2023

06:30' - 12/01/2023
BNEWS Yếu tố bất lợi là sự suy giảm của thương mại khu vực và toàn cầu trong những tháng gần đây, lạm phát cơ bản vẫn cao ở phần lớn Đông Nam Á, và hoạt động yếu kém kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc.

Khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ mở rộng quá trình phục hồi kinh tế vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng vượt xa các khu vực còn lại của thế giới, ngay cả khi lạm phát gia tăng và những rủi ro địa chính trị ảnh hưởng đến những dự báo về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Khi được hỏi về kinh tế khu vực đã thay đổi như thế nào trong quý cuối cùng của năm 2022, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty dịch vụ tài chính Moody’s Analytics, ông Steve Cochrane, cho biết, những dự báo “đã giảm xuống ở mức vừa phải”.

Ông lưu ý: “Những nhân tố bất lợi là sự suy giảm của thương mại khu vực và toàn cầu trong những tháng gần đây, lạm phát cơ bản vẫn cao ở khắp phần lớn khu vực Đông Nam Á, và hoạt động yếu kém kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của các nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-5 (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) tăng trưởng 4,9% vào năm 2023.

Báo cáo Triển vọng khu vực mới nhất, được công bố hồi tháng 10/2022, đã giảm từ con số 5,9% trong dự báo hồi tháng 4/2022.

Trong đánh giá triển vọng tháng 10/2022, Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP thực xuống 4,9% đối với tất cả các nước ASEAN, giảm từ mức 5,2% trong đánh giá tháng 7/2022.

Bên cạnh đó, IMF tháng 10/2022 đã nâng dự báo lạm phát của ASEAN-5 lên 4,4% trong năm 2023, so với dự báo 3,2% hồi tháng 4/2022. AMRO nâng dự báo lạm phát trên toàn ASEAN lên 4% cho năm 2023, từ 3,2% trong dự báo trước đó.

Trong bối cảnh lạm phát leo thang, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng OCBC Selena Ling cho biết, các thị trường mới nổi có thể được chú ý trong năm 2023 khi tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ trong khu vực đã chậm lại.

Tăng trưởng cũng bị đe dọa do kinh tế Trung Quốc có nguy cơ tăng trưởng chậm lại do đây là thị trường thương mại khổng lồ của khu vực, và sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là hàng điện tử.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ về cơ cấu và chính sách giúp nền kinh tế ASEAN có thể vượt trội so với các khu vực khác của thế giới và các nhà quan sát hy vọng khả năng mở cửa trở lại ở Trung Quốc sẽ nâng cao hơn nữa triển vọng của khu vực.

* Nhiều đợt tăng lãi suất sắp tới

Giá cả hàng hóa và tiêu dùng tăng đột biến trong năm 2022, do sự mất cân đối cung-cầu liên quan đến đại dịch COVID-19 kéo dài, cùng với sự gián đoạn do xung đột Nga-Ukraine.

Tăng trưởng chậm hơn và lạm phát gia tăng đã làm tăng áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có quan điểm “diều hâu” (thắt chặt chính sách tiền tệ) tạo ra xu hướng tăng lãi suất mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Ông Cochrane cho rằng chính sách tiền tệ trong khu vực có thể sẽ bị thắt chặt thêm khi các ngân hàng trung ương hành động để kiềm chế lạm phát và hỗ trợ đồng tiền quốc gia.

Ông đánh giá: “Chính sách tiền tệ sẽ tăng với tốc độ vừa phải trong quý I/2023. Các ngân hàng trung ương sẽ chỉ nới lỏng (chính sách tiền tệ) một khi lạm phát, cả lạm phát tổng thể và giá cả lương thực, bắt đầu giảm”.

Trong khi đó, bà Ling của OCBC cho rằng “còn quá sớm để nói đến thời kỳ đỉnh điểm của việc thắt chặt chính sách tiền tệ” tại ASEAN, đặc biệt là nếu khu vực này phải đối mặt với dòng vốn chảy ra hay Fed tiếp tục tăng lãi suất.

Bà Ling cho rằng sẽ có thêm một vài đợt tăng lãi suất nữa từ Ngân hàng trung ương Indonesia và Ngân hàng trung ương Malaysia, và khả năng một đợt thắt chặt chính sách tiền tệ nữa từ Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương) tại kỳ đánh giá tiếp theo vào tháng 4/2023.

Ngân hàng trung ương Thái Lan đã nâng lãi suất thêm tổng cộng 75 điểm cơ bản kể từ tháng 8/2022. Kỳ đánh giá chính sách tiếp theo của ngân hàng này sẽ diễn ra vào ngày 25/1 tới, với các nhà kinh tế dự đoán một đợt tăng lãi suất nữa.

Bà Ling cũng đã chỉ rõ áp lực phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết các vấn đề về chi phí sinh hoạt thông qua chính sách tài khóa, chẳng hạn như khả năng trợ cấp cho các nhóm thu nhập thấp tại Malaysia dưới thời nhà lãnh đạo mới Anwar Ibrahim.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng AMRO Khor Hoe Ea lưu ý rằng sự phục hồi kinh tế đang diễn ra đã thúc đẩy hầu hết các quốc gia tăng cường làn sóng hỗ trợ tài chính.

Ông nhận xét: “Mặc dù một số nền kinh tế gần đây đã triển khai các biện pháp hỗ trợ chính sách tài khóa để giảm nhẹ tác động của giá lương thực và năng lượng tăng cao đối với chi phí sinh hoạt, nhưng những biện pháp này được cho là tạm thời và nhỏ hơn về quy mô so với các gói kích thích kinh tế đã được mở rộng trong giai đoạn dịch COVID-19”.

Quả thực, tỷ lệ lạm phát tại ASEAN được dự kiến tiếp tục thấp hơn so với những nơi khác. Theo ngân hàng Maybank, ngoại trừ Myanmar, lạm phát tổng thể dự kiến từ 3% tại Malaysia và Thái Lan đến 5% tại Lào và 6% tại Singapore vào năm 2023. Các nhà phân tích cũng tin rằng lạm phát có thể đã đạt đỉnh tại các thị trường ASEAN như Singapore, Thái Lan và Indonesia.

Đến nay, lạm phát đã giảm xuống từ mức cao của năm 2022, với AMRO dự kiến lạm phát sẽ giảm từ 7,6% năm 2022 xuống 4% năm 2023 tại ASEAN nói chung. Mức lạm phát dự kiến cho năm 2023 tại ASEAN cũng thấp hơn so với mức trung bình toàn cầu mà IMF ước tính là 6,5% trong năm 2023.

Như vậy, hầu hết các ngân hàng trung ương ASEAN không mạnh tay như Fed trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất, trừ Philippines và Singapore.

Các nhà phân tích của Maybank cho rằng: “Việc thắt chặt chính sách tiền tệ vừa phải hơn ở ASEAN sẽ hạn chế cú sốc về lãi suất đối với chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh”.

Tương tự, các nhà phân tích của ngân hàng UOB đã lưu ý trong đánh giá triển vọng hàng quý rằng lạm phát thấp hơn và việc thắt chặt chính sách mềm mỏng hơn của các ngân hàng trung ương trong khu vực sẽ đem lại sự linh hoạt hơn cho quá trình mở rộng kinh tế.

* Tăng trưởng không đồng đều ở ASEAN

Các nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng không đồng đều trong năm 2023, dựa trên mức độ phục hồi đối với các lĩnh vực then chốt như sản xuất điện tử và trao đổi hàng hóa.

Maybank dự báo tăng trưởng đạt 4,3% trong ASEAN-5, mặc dù với sự tăng trưởng dưới mức trung bình ở Malaysia (4%), Thái Lan (3,2%) và Singapore (1,5%).

Trong khi đó, ông Cochrane chỉ ra rằng Philippines là quốc gia có thành tích tốt nhất trong ASEAN, nhờ nhu cầu nội địa đang bị dồn nén, cũng như gói kích thích tài chính dành cho y tế công cộng, cơ sở hạ tầng và giáo dục.

Việt Nam được dự đoán sẽ đứng ở vị trí thứ hai trong khu vực, nhờ hoạt động thương mại tích cực với Mỹ - đối tác thương mại then chốt của nước này. Thái Lan sẽ tiếp tục "chờ đợi" sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc. 

Malaysia và Thái Lan sẽ tăng trưởng chậm hơn so với các quốc gia khác do giá cả hàng hóa dự kiến sẽ giảm. Nền kinh tế nhỏ, mở của Singapore sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm cho đến khi nhu cầu toàn cầu cải thiện vào cuối năm 2023.

Cuối cùng, mặc dù các nhà phân tích UOB dự báo tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn của ASEAN chậm lại, xuống dưới 5% trong năm 2023, nhưng họ lưu ý rằng điều này phù hợp với xu hướng tăng trưởng chậm hơn nói chung, như ở các thị trường phát triển Mỹ và châu Âu.

Tương tự, các nhà kinh tế Maybank lạc quan coi khu vực Đông Nam Á là “bến cảng phòng thủ” trong năm 2023, và IMF dự báo tăng trưởng GDP cho các nền kinh tế ASEAN-5 vẫn cao hơn nhiều so với mức 2,7% được dự kiến cho nền kinh tế toàn cầu nói chung trong cùng thời kỳ.

Một cách riêng rẽ, công ty dịch vụ chuyên nghiệp Aon gần đây đã phát hiện ra rằng lương ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2023 có thể tăng nhiều hơn so với năm 2022.

Theo một cuộc khảo sát được công bố vào ngày 8/12, mức tăng trung bình có thể từ 4,7% tại Singapore lên 7,9% tại Việt Nam, do ngành khách sạn, bán lẻ và thương mại điện tử thúc đẩy.

Ngược lại, lương ở những nơi khác nhìn chung sẽ tăng vừa phải hơn, như 4,1% tại Australia, 4,7% tại Anh và 5,1% tại Mỹ.

Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực cũng được cho là ổn định hoặc giảm. Maybank dự kiến tỷ lệ thất nghiệp trung bình tại Indonesia giảm từ mức 5,8% năm 2022 xuống 5,3% trong năm 2023.

Tại Malaysia, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến giảm từ mức 3,8% xuống 3,5%; tại Philippines từ 5,5% xuống 5%; và tại Thái Lan từ 1,4% giảm xuống 1,2%.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Singapore có thể tăng 2,2% trong năm 2023, từ 2,1% năm 2022, nhưng vẫn tốt hơn 2,7% được ghi nhận trong năm 2021.

* Trung Quốc - yếu tố khó tiên liệu 

Theo báo cáo được công bố ngày 8/12 của ngân hàng Standard Chartered, sự phục hồi tăng trưởng của ASEAN có thể tiếp tục trong năm 2023, nhờ những cải thiện trong các lĩnh vực như tiêu dùng trong nước và du lịch.

Báo cáo đánh giá: “Các nền kinh tế ASEAN mở cửa và theo hướng thương mại hơn (như Singapore) có thể phải đối mặt với áp lực suy giảm đối với hàng xuất khẩu khi tăng trưởng toàn cầu yếu trong nửa đầu năm 2023”.

Đặc biệt, các nhà quan sát đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tại Trung Quốc vốn gây ra những rủi ro đáng kể cho kinh tế ASEAN cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Có vẻ Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2022, vì chính sách phòng dịch "Zero COVID" nghiêm ngặt đã gây ra tình trạng bất ổn trong các ngành như bất động sản và công nghệ.

Ông Cochrane đánh giá: “Chu kỳ hàng điện tử đã suy yếu trên toàn cầu khi nhu cầu của người tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển đã chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ… Sự yếu kém trong lĩnh vực điện tử có thể kéo dài trong phần lớn năm 2023, phục hồi vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ của Singapore đã tăng trưởng âm trong tháng 11/2022 - lần suy giảm đầu tiên trong năm 2022 - do cả các lô hàng điện tử và phi điện tử đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái”.

Trong khi đó, bà Ling nhận định: “Do tầm quan trọng của nền kinh tế và thị trường Trung Quốc đối với các nền kinh tế châu Á và đặc biệt là ASEAN, sẽ có tác động dây chuyền đối với sản xuất, thương mại, đầu tư và cả mức độ lòng tin… Không nên đánh giá thấp sự phụ thuộc vào Trung Quốc như một phần của chuỗi cung ứng sản xuất – đặc biệt là điện tử - và như một thị trường xuất khẩu then chốt cũng như nguồn du khách quan trọng”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Maybank lưu ý rằng thương mại nội khối ASEAN có thể bù đắp cho nhu cầu yếu hơn ở các thị trường khác, trong khi các nhà đầu tư đang tiếp tục chuyển các chuỗi cung ứng sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN. Họ cũng nói thêm rằng “yếu tố khó tiên liệu lớn trong năm 2023 là việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, điều có thể bù đắp một phần sự suy giảm ở Mỹ và châu Âu, và tăng cường triển vọng kinh tế của ASEAN”.

Mặc dù Tiến sỹ Khor Hoe Ea từ AMRO cho rằng sự suy giảm ở Trung Quốc và xu hướng giảm trong ngành điện tử dự kiến sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của khu vực, nhưng ông cũng nói thêm rằng nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ dần phục hồi trong nửa đầu năm 2023, trong khi lĩnh vực điện tử có thể phục hồi khi nhu cầu ở các thị trường lớn phục hồi vào năm 2024.

Ông Khor Hoe Ea đánh giá: “Xuất khẩu thấp hơn có thể được bù đắp bởi nhu cầu trong nước mạnh khi các biện pháp liên quan đến dịch bệnh tiếp tục được loại bỏ. Việc nối lại hoạt động du lịch và lữ hành quốc tế, và tăng trưởng trong thương mại dịch vụ cũng sẽ giảm bớt tác động của xuất khẩu hàng hóa chậm lại, đặc biệt là đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch, như Thái Lan và Campuchia”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục