Triển vọng phát triển mạng 5G ở Đông Nam Á

06:30' - 02/11/2023
BNEWS Thị phần toàn cầu của Đông Nam Á dự kiến tăng, nhưng sẽ không tăng mạnh. Do đó, Đông Nam Á khó có thể trở thành thị trường 5G toàn cầu quan trọng trong ngắn hạn và trung hạn.
Đông Nam Á khó có thể trở thành thị trường 5G toàn cầu quan trọng trong ngắn hạn và trung hạn. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết "Tương lai nào cho Đông Nam Á?”) của Viện nghiên cứu ASPI ngày 30/10, trong thời gian gần đây, thông báo về việc thử nghiệm thành công mạng 5G của nhiều công ty viễn thông Đông Nam Á trong môi trường RedCap là lời nhắc nhở về việc triển khai dần các mạng thế hệ thứ năm trong khu vực.

Công nghệ Internet Vạn Vật (IoT) di động mới nhất là RedCap,sử dụng sức mạnh của mạng 5G để cải thiện tính năng và đơn giản hóa các thiết bị IoT.

RedCap 5G được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều trường hợp sử dụng 5G hơn, đặc biệt là đối với Internet vạn vật (IoT), hiện chủ yếu sử dụng mạng 4G. Tuy nhiên, hầu hết khu vực vẫn chưa vượt qua giai đoạn thử nghiệm 5G và 4G sẽ vẫn là tiêu chuẩn trong một thời gian nữa.

Vào năm 2022, các gói 5G chỉ chiếm 2,2% (26 triệu thuê bao di động) trong tổng số 1,14 tỷ thuê bao ở Đông Nam Á, so với 55,7% (637 triệu thuê bao) của 4G. Điều này trái ngược với Đông Á, nơi 5G chiếm 29,8% tổng số thuê bao (643 triệu thuê bao trong tổng số 2,16 tỷ).

Thị phần toàn cầu của Đông Nam Á dự kiến tăng, nhưng sẽ không tăng mạnh. Do đó, Đông Nam Á khó có thể trở thành thị trường 5G toàn cầu quan trọng trong ngắn hạn và trung hạn.

Câu hỏi đặt ra lúc này là nên đánh giá mối lo ngại liên quan đến việc sử dụng thiết bị của các nhà cung cấp Trung Quốc như Huawei và ZTE ở Đông Nam Á như thế nào? Mặc dù ý tưởng "chọn phe" đã giảm dần ở một mức độ nào đó, nhưng những câu chuyện về việc "tách rời" (decoupling) hoặc "giảm rủi ro" (de-risking) vẫn chưa hoàn toàn biến mất.

Trong nhiều năm, Mỹ và các nước khác đã cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á rằng thiết bị của Trung Quốc có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động gián điệp mạng. Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng thuyết phục các nước Đông Nam Á hạn chế hoặc cấm sử dụng thiết bị Trung Quốc và các báo cáo gần đây về việc Chính phủ Malaysia cho phép tập đoàn Huawei tham gia triển khai 5G đã phải đối mặt với nhiều lời kêu gọi thận trọng hơn.

Các quốc gia Đông Nam Á đã phản ứng theo những cách khác nhau trước sự mở rộng của Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông. Năm 2020, các công ty viễn thông hàng đầu của Singapore đã không chọn Huawei để phát triển mạng 5G quốc gia, thay vào đó các hợp đồng lần lượt thuộc về Ericsson và Nokia. Trong khi đó, Việt Nam lựa chọn phát triển công nghệ 5G của riêng mình.

Trong khi đó, các nhà cung cấp Trung Quốc dường như chủ yếu tăng cường các hoạt động kinh doanh thông thường (bussiness as usual) đặc biệt là trong lĩnh vực 4G, vốn ít thu hút được sự chú ý và quan tâm; điện toán đám mây và công nghệ "thành phố thông minh".

Tuy nhiên, cách tiếp cận hoạt động kinh doanh thông thường không có nghĩa là không có sự cạnh tranh về công nghệ. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore Josephine Teo đã nói về mong muốn của khu vực là đảm bảo rằng, thay vì các quốc gia "chọn" một nhà cung cấp hoặc một nhóm nhà cung cấp, họ cần có "các hệ thống và tiêu chuẩn có khả năng tương tác cao hơn".

Điều này cho thấy khu vực đang áp dụng một quan điểm có tính toán về vai trò của các nhà cung cấp Trung Quốc trong mạng lưới viễn thông của mình, trái ngược với quan điểm của phương Tây, đặc biệt phổ biến ở Mỹ, rằng Đông Nam Á có nguy cơ bị cuốn vào phạm vi ảnh hưởng do Trung Quốc thống trị.

Trong khi Indonesia nổi lên như một thị trường lớn cho thiết bị viễn thông Trung Quốc, các quan chức an ninh mạng của nước này cũng nhận thức sâu sắc về những rủi ro liên quan đến việc sử dụng thiết bị này. Tuy nhiên, việc đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế quan trọng thường được ưu tiên. Mức giá rẻ hơn mà Huawei và ZTE đưa ra – có thể thấp hơn tới 30% so với giá thị trường – và sự hỗ trợ kèm theo đối với việc xây dựng năng lực thường biến thành những lời đề nghị khó có thể từ chối.        

Bất chấp tầm nhìn lớn lao về việc sử dụng sức mạnh biến đổi của công nghệ 5G để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hầu hết các nước Đông Nam Á vẫn cần ít nhất một thập kỷ nữa để triển khai đầy đủ công nghệ này. Do đó, sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu các chính phủ phương Tây và các đối tác khu vực tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực nhằm giảm sự phụ thuộc vào thiết bị của Trung Quốc.

Một biện pháp là hỗ trợ phát triển hệ thống truy cập vô tuyến mở, hay còn gọi là công nghệ O-RAN, là một sự thay đổi kiến trúc mạng thông tin di động cho phép các mạng được tích hợp với nhau sử dụng các phần tử mạng từ nhiều nhà sản xuất khác nhau.

Điều này sẽ cho phép khu vực cho phép các nhà sản xuất nhỏ hơn, vốn thường gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các nhà cung cấp lớn trên toàn cầu, tham gia vào hệ thống. Trong khi các quốc gia Đông Nam Á chậm áp dụng công nghệ O-RAN, một số quốc gia đang nhận thấy tiềm năng của công nghệ này trong việc giúp điều hướng cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc đang ngày càng sâu sắc.

Tuy nhiên, công nghệ và thiết bị O-RAN rất đắt tiền và việc thử nghiệm thường xuyên có thể nằm ngoài khả năng của nhiều quốc gia. Tiến bộ về công nghệ O-RAN là điều mà các chính phủ quan tâm trong quá trình đa dạng hóa viễn thông ở Đông Nam Á.

Ở cấp độ khu vực, các sáng kiến như lộ trình 5G của ASEAN cũng cần xem xét cách kết hợp công nghệ O-RAN. Mỹ đã hỗ trợ một nghiên cứu của ASEAN về các phương pháp hay nhất để triển khai 5G ở Đông Nam Á, trong đó nêu bật tiềm năng của O-RAN trong khu vực.

Thách thức sẽ là giải quyết hàng loạt mối quan tâm của các quốc gia Đông Nam Á đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Việc duy trì quan hệ đối tác, đối thoại và nỗ lực xây dựng năng lực giữa các chính phủ Đông Nam Á trong dài hạn là rất quan trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục