Triển vọng tăng trưởng lạc quan của kinh tế toàn cầu

06:30' - 29/01/2022
BNEWS Mặc dù hoạt động kinh tế đã chậm lại do biến thể Omicron, các thị trường tài chính đã có phản ứng tích cực với kỳ vọng rằng tác động của dịch bệnh sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã "dội gáo nước lạnh" vào hy vọng của nhiều người rằng có thể dập tắt đại dịch COVID-19 trong năm 2022.

Số ca nhiễm bệnh đang gia tăng ở mức báo động tại nhiều quốc gia, buộc chính phủ các nước phải tái áp đặt một số hạn chế. Các hoạt động kinh tế đã chậm lại khi công nhân mắc bệnh và người dân hạn chế ra ngoài.

Tuy nhiên, các thị trường tài chính đã có những phản ứng tích cực đối với tình hình hiện tại, với kỳ vọng rằng tác động của dịch bệnh sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn bất chấp COVID-19 vẫn là mối đau đầu thường xuyên khiến cả những người lạc quan nhất cũng khó chịu.

Theo giới phân tích, thị trường tài chính đã phản ánh đúng kịch bản về sự gia tăng đột biến của số ca nhiễm Omicron cũng như sự phục hồi cuối cùng của hoạt động toàn cầu sẽ mạnh mẽ hơn nhiều so với dự kiến. Điều này xuất phát từ thực tế ảnh hưởng của đại dịch đối với kinh tế thế giới ngày càng giảm dần theo thời gian.

Lợi thế bổ sung sẽ đến từ động lực ngày càng tăng của các công ty đối với việc tiến hành các kế hoạch phát triển kinh doanh đã bị tạm dừng hoặc trì hoãn bởi đại dịch. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng sự lạc quan này không bỏ qua những rủi ro tiêu cực như sự suy giảm mạnh ở Trung Quốc hoặc thiệt hại tiềm tàng đối với sức mạnh kinh tế từ xu hướng thắt chặt tiền tệ ở Mỹ và các nơi khác.

Mặc dù những rủi ro này cần được theo dõi cẩn thận nhưng giới phân tích tin tưởng vào khả năng kiềm chế các tác động tiêu cực.

Đại dịch sẽ ít cản trở hoạt động kinh tế toàn cầu

Trong lịch sử, các đại dịch giống như dịch COVID-19 hiện nay thể hiện một vòng đời điển hình. Chúng nổi lên bất thường, gây ra tình trạng hỗn loạn lớn trong một thời gian và sau đó phát triển thành các biến thể dần dần ít gây hại hơn. Tất nhiên, không có gì đảm bảo rằng điều này sẽ luôn xảy ra nhưng trong hầu hết các trường hợp.

Tuy nhiên, một tín hiệu đáng khích lệ đó là những diễn biến liên quan tới biến thể Omicron lần này có sự phù hợp lớn với những gì mô hình lịch sử tiến hóa dự đoán. Omicron có khả năng lây truyền cao nhưng ít gây nguy hiểm hơn đối với sức khỏe.

Hơn nữa, kinh nghiệm ở các quốc gia lần đầu tiên bị tấn công bởi biến thể Omicron như Nam Phi và Vương quốc Anh cho thấy các ca nhiễm trùng tăng đột biến nhanh chóng và sau đó biến mất, đặc biệt là tại Nam Phi.

Sau khi đạt đỉnh với gần 40.000 ca nhiễm/ngày vào giữa tháng 12/2021, số ca mắc tại nước này đã giảm xuống còn dưới 6.000 ca/ngày. Tỷ lệ nhập viện và tử vong cũng thấp đáng kể. Nếu mô hình này lặp lại ở những nơi khác, điều tồi tệ nhất của đợt bùng phát biến thể Omicron sẽ kết thúc vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 tới.

Suy rộng ra từ kinh nghiệm này, các chuyên gia dự báo ngay cả khi các biến thể mới hơn xuất hiện thì khả năng là mô hình tương tự cũng sẽ xuất hiện, virus sẽ dần phát triển thành một phiên bản có độc lực thấp hơn.

Đồng thời, lĩnh vực y khoa tiếp tục ghi nhận những thành quả đáng ngạc nhiên khi phát triển nhiều loại vaccine và thuốc tốt hơn một cách nhanh chóng để ngăn chặn sự tồi tệ của dịch bệnh.

Tất cả những điều này làm cho virus bớt "đáng sợ" hơn nhiều, đồng nghĩa với việc các cơ quan y tế sẽ ít phải dùng đến các biện pháp làm suy yếu nền kinh tế, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ không sợ hãi khi cắt giảm các hoạt động bình thường.

Về lâu dài, đại dịch sẽ không biến mất mà sẽ lùi dần vào bối cảnh chung, cuối cùng trở thành một thách thức hơn là một mối nguy hiểm đáng sợ.

Tại sao các tác động kinh tế đặc biệt tích cực đối với Đông Nam Á?

Mô hình hoạt động kinh tế sẽ song hành với diễn biến dịch bệnh. Trong những tuần tới, nền kinh tế có thể sẽ đối mặt với một số thách thức trong tiến trình phục hồi khi số lượng lớn các ca lây nhiễm khiến người lao động không thể đến nơi làm việc.

Tại Anh, một báo cáo ước tính có tới 3 triệu người đã không thể đi làm trong hai tuần trước do các ca nhiễm bệnh gia tăng. Hạn chế về sức khỏe cộng đồng sẽ làm giảm hoạt động của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong khi các doanh nghiệp có thể áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và xem xét trong tuyển dụng cũng như mở rộng năng lực.

Kết quả các cuộc khảo sát về quản lý mua hàng được công bố gần đây đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến hoạt động chậm lại và cho thấy một số gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, khi đại dịch lắng xuống, tiêu dùng, đầu tư và nhu cầu lao động sẽ tăng nhanh trở lại. Khi đó, tăng trưởng kinh tế cũng nhanh chóng phục hồi. Đây cũng là triển vọng mà các thị trường đang hướng tới.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Seattle, Washington (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Các chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Centennial Asia Advisors (Singapore) cho rằng sẽ có thêm động lực về nhu cầu giúp thúc đẩy các nền kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng nhanh hơn nữa. Đánh giá này dựa trên kỳ vọng về chi tiêu vốn của các công ty ở các nền kinh tế công nghiệp hóa lớn.

Dữ liệu gần đây cho thấy các đơn đặt hàng hàng hóa cơ bản tiếp tục tăng ở Mỹ trong khi lấy lại đà ở Đức. Tại Mỹ, một cuộc khảo sát về các doanh nghiệp nhỏ chỉ ra sự cải thiện dần dần trong kế hoạch đẩy mạnh đầu tư, mặc dù các doanh nghiệp nhỏ không hài lòng với nhiều khía cạnh trong kế hoạch kinh tế của Tổng thống Joe Biden.

Theo chuyên gia Manu Bhaskaran, Giám đốc điều hành (CEO) của Centennial Asia Advisors, một số nguyên nhân sau giúp sự phục hồi chi tiêu vốn mạnh mẽ hơn nhiều so với dự kiến:

Thứ nhất, trong hai năm qua, trong bối cảnh đại dịch làm gián đoạn nền kinh tế thế giới, nhiều công nghệ mới đã đạt đến mức mà các ứng dụng thương mại trở nên khả thi, trong đó một số thực sự hấp dẫn thậm chí trở nên không thể thiếu.

Những ví dụ điển hình đó là khả năng tiết kiệm chi phí từ các nền tảng điện toán đám mây, năng suất sử dụng robot trong các nhà máy, cam kết carbon trung tính từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời, điện gió và địa nhiệt, những cải tiến mang tính cách mạng trong chăm sóc y tế có được từ tiến bộ trong lĩnh vực y sinh, các khả năng mới được tạo ra bởi các vật liệu mới như graphen hoặc vật liệu tổng hợp. Thực tế này cho thấy phạm vi khai thác có lợi của các công nghệ mới đã phát triển gần như bùng nổ.

Chính những đổi mới này đã làm thay đổi cuộc chơi. Các doanh nghiệp buộc phải cải tiến và nắm các công nghệ mới nhằm tránh trở nên lỗi thời. Ngoài ra, việc khai thác công nghệ mới cũng đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng mới, đồng nghĩa với việc chi tiêu vốn nhiều hơn.

Ví dụ, nếu sử dụng xe điện là một cách để giảm lượng khí thải thì chúng ta cần phải xây dựng một mạng lưới lớn các trạm sạc trên khắp các đô thị trên thế giới. Tương tự, cần phải đầu tư một lượng lớn vào lưới điện siêu cao áp để sản xuất điện từ các nguồn tái tạo có thể sử dụng.

Cuối cùng, các công nghệ mới cũng đi kèm với các yêu cầu chi phí mới, đồng nghĩa với số tiền đầu tư lớn. Lĩnh vực an ninh mạng là ví dụ điển hình. Các doanh nghiệp không thể không đầu tư vào thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến và công nghệ tài chính (fintech) nhưng nguy cơ lừa đảo, tấn công mạng, phần mềm độc hại buộc họ phải đầu tư nhiều vào an ninh mạng.

Chi tiêu vốn toàn cầu tăng mạnh cũng có ý nghĩa tích cực đối với Đông Nam Á khi các nhà sản xuất trong khu vực chuyên sản xuất, cung cấp các bộ phận được sử dụng trong máy móc và các tư liệu sản xuất khác.

Thứ hai, diễn biến gần đây tại khu vực Đông Nam Á chỉ ra các lý do tại sao chi tiêu vốn tăng lên. Trước hết, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các công ty định hình lại cách tổ chức chuỗi cung ứng. Việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc mang lại nhiều rủi ro, nhất là chiến lược "Không COVID-19" (Zero COVID-19) của Trung Quốc càng khiến chuỗi cung ứng thường xuyên bị mất trật tự.

Trong những tháng trước khi đại dịch xảy ra, giới phân tích nhận thấy xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Đông Nam Á ngày càng tăng. Mặc dù quá trình này phần nào bị gián đoạn bởi đại dịch nhưng sẽ tiếp tục với động lực mạnh mẽ khi đại dịch lắng xuống.

Chi tiêu vốn tăng kể từ khi đại dịch bùng phát, khi lượng lớn chi tiêu tài khóa cần thiết được dành để hỗ trợ các biện pháp y tế công cộng và cung cấp an sinh xã hội cho các nhóm thu nhập thấp đã chuyển hướng nguồn tiền từ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Container hàng hóa được xếp tại cảng ở Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Điều này dẫn đến lượng vốn dành cho đầu tư hạ tầng cơ bản chậm lại đáng kể. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng sẽ có sự phục hồi đáng kể trong chi tiêu cho các nhà máy điện, đường bộ, đường sắt, các chương trình vận tải hành khách công cộng, cảng và sân bay trong khu vực trong năm 2022.

Bên cạnh đó, trong hai năm qua, các nước Đông Nam Á đã tiến hành nhiều cải cách nhằm nâng cao sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, Indonesia đã thông qua một gói cải cách pháp lý nhằm giải quyết các vấn đề mà giới đầu tư nước ngoài gặp phải với các quy định về thị trường lao động và giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Những rủi ro đối với sự phục hồi kinh tế

Theo giới phân tích, mối quan tâm chính hiện tại đến từ Trung Quốc, nơi hợp lưu của những luồng gió ngược đã xuất hiện. Sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản tiếp tục diễn ra đã làm trầm trọng thêm những khó khăn tài chính mà những khách hàng lớn, ngay cả những người ngoài lĩnh vực bất động sản, phải đối mặt.

Các doanh nghiệp tư nhân đã bị lung lay trước sự thay đổi quy định đột ngột, ảnh hưởng mạnh tới triển vọng tăng trưởng của nhiều công ty công nghệ cùng một số lĩnh vực khác trong đó có giáo dục. Do đó, nếu các công ty tư nhân tránh chi tiêu vốn thì tác động của kinh tế Trung Quốc và kinh tế thế giới có thể rất nghiêm trọng khi đầu tư chiếm hơn 40% nền kinh tế.

Cùng với đó, rủi ro cũng đến từ chiến lược "Không COVID-19" của Trung Quốc khi việc đóng cửa đột ngột toàn bộ các thành phố, bao gồm cả các cảng và khu công nghiệp, có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, vốn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà sản xuất trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan hiện tại là giới hoạch định chính sách vốn được đánh giá cao của Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Mới gần đây, Hội đồng Nhà nước đã kêu gọi các biện pháp thúc đẩy nhu cầu trong nước trong khi các nhà hoạch định chính sách kinh tế cấp cao đã khuyến nghị các biện pháp giúp tạo thêm nhiều việc làm mới.

Trong tháng qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) đã mở rộng hỗ trợ nhiều hơn cho các phân khúc dễ bị tổn thương cùng với các nỗ lực sau hậu trường nhằm đảm bảo ngăn chặn thành công hậu quả từ sự đổ vỡ của các công ty bất động sản.

Theo ông Manu Bhaskaran, mặc dù không phải là một ý kiến hay khi cho rằng giới hoạch định chính sách luôn làm tốt công việc của mình nhưng ông đánh giá cao bề dày thành tích của giới hoạch định chính sách Trung Quốc và cho rằng họ đang thực sự mang lại tác dụng trấn an nhất định. Các cuộc khảo sát quản lý mua hàng mới nhất chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang lấy lại động lực, chứng tỏ khả năng các biện pháp và chính sách đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Mối quan tâm thứ hai là sự thay đổi chính sách tiền tệ ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã xoay trục khá mạnh trong vài tháng qua. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng Fed sẽ chấm dứt việc nới lỏng định lượng và vào tháng 3 tới, cơ quan này bắt đầu tăng lãi suất.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã ám chỉ sẽ thay đổi lập trường cực kỳ linh hoạt. Không có hai hướng đi trong giải quyết vấn đề này và thanh khoản thắt chặt hơn cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến giá tài sản tài chính.

Giới phân tích cho rằng sự dư thừa có thể đã tích tụ trên thị trường tài chính trong vài năm qua, cho dù đó là sự phấn khích đối với tiền điện tử hay việc định giá tích cực các cổ phiếu công nghệ, sự gia tăng lớn về giá bất động sản trên toàn cầu. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương dường như nhận thức khá rõ những rủi ro tiềm ẩn và có khả năng sẽ điều chỉnh các thay đổi chính sách của mình một cách đầy cẩn trọng, giúp hạn chế thiệt hại do điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn gây ra.

Chuyên gia Manu Bhaskaran nhấn mạnh rằng tình trạng khó khăn và chắp vá hiện nay của kinh tế toàn cầu nhiều khả năng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và sẽ nhường chỗ cho giai đoạn mở rộng toàn cầu mạnh mẽ.

Các mô hình trong sự phục hồi này sẽ có lợi cho Đông Nam Á khi các rủi ro như sự suy thoái tại Trung Quốc và sự kết thúc của nguồn tiền dễ dàng được quản lý, ứng phó hữu hiệu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục