Bốn rủi ro lớn đe dọa nền kinh tế toàn cầu năm 2022

05:30' - 24/01/2022
BNEWS Rủi ro và nguy cơ kinh tế toàn cầu đối diện sẽ gia tăng, việc có hóa giải hiệu quả những rủi ro và né tránh được những nguy cơ hay không cần đến sự phối hợp hành động của các nước trên toàn cầu.

Theo tờ Thương báo Hong Kong (Trung Quốc), năm 2022 sẽ lại là một năm nhiều thách thức đối với các nước trên thế giới, mức độ nghiêm trọng của tình hình không hề thua kém so với hai năm trước đó.

Rủi ro và nguy cơ mà nền kinh tế toàn cầu đối diện sẽ gia tăng, việc có hóa giải hiệu quả những rủi ro và né tránh được những nguy cơ hay không cần đến sự phối hợp hành động, chung tay đối phó của các nước trên toàn cầu.

Theo tờ Hong Kong Economic Herald, có ít nhất bốn rủi ro lớn đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu năm nay. Thứ nhất, tình hình dịch bệnh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể một lần nữa gây tổn thương không nhỏ cho nền kinh tế toàn cầu.

Biến thể virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, thậm chí có xu hướng ngày càng mạnh, đặc biệt dịch bệnh ở Mỹ và châu Âu dường như đang rơi vào trạng thái mất kiểm soát, trong khi nhiều nước đang phát triển do nguồn lực tài chính hạn chế, điều kiện y tế lạc hậu, chỉ có thể phó mặc tình hình. 

Xuất phát từ đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tục phát đi cảnh báo về tình hình dịch bệnh đối với thế giới, nhấn mạnh biến thể Omicron có thể lây lan khắp toàn cầu, trở thành tai họa mới của thế giới. Chắc chắn, nếu năm 2022 thế giới không thể khống chế hiệu quả dịch bệnh, thì có thể sẽ một lần nữa làm tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, và thế giới có thể một lần nữa rơi vào vòng xoáy đại suy thoái.

Thứ hai, lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu có thể sẽ gây thiệt hại cho nhiều quốc gia và khu vực. Từ giữa năm 2021 đến nay, tỷ lệ lạm phát của Mỹ và châu Âu liên tục tăng mạnh, trong đó tỷ lệ lạm phát tháng 11/2021 của Mỹ là 6,8%, ghi nhận mức cao nhất trong 40 năm qua.

Tỷ lệ lạm phát của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cũng ở mức cao nhất trong 25 năm là 5%. Mặc dù Chính phủ Mỹ luôn cho rằng lạm phát của Mỹ chỉ là hiện tượng tạm thời và sẽ không kéo dài, song Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell thừa nhận, Mỹ tồn tại rủi ro lạm phát cao dài hạn. Tình hình của châu Âu và Mỹ cơ bản tương đồng, lạm phát cao sẽ không thể được giải quyết trong ngắn hạn. 

Do USD là đồng tiền mạnh toàn cầu, và euro cũng là đồng tiền mạnh thứ hai thế giới sau USD, do đó lạm phát cao của Mỹ và châu Âu chắc chắn sẽ thông qua đồng USD và euro để truyền dẫn đến các nước và khu vực phụ thuộc nghiêm trọng vào hai đồng tiền này. Rõ ràng, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của Fed chắc chắn sẽ dẫn đến sự biến động của thị trường tài chính quốc tế, song song với việc Mỹ và châu Âu có thể “xuất khẩu” lạm phát, mang lại nhân tố bất ổn mới cho kinh tế thế giới.  

Thứ ba, xung đột biên giới Nga-Ukraine "ngấp nghé" bùng phát có thể khiến cho khu vực biến động. Khủng hoảng biên giới Nga-Ukraine sẽ diễn biến như thế nào? Nếu Nga và Ukraine bùng phát chiến tranh, thì sẽ không chỉ là câu chuyện giữa hai nước, mà có thể sẽ kéo toàn bộ châu Âu vào cuộc, đồng thời mang lại tai họa cho châu Âu và khu vực Trung Á.

Thứ tư, đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá mạnh có thể dẫn đến “hiệu ứng domino”. Năm 2021, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá hơn 50%, hệ quả là lạm phát tăng vọt lên 21%.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục tấn công, liệu đồng lira mất giá mạnh có gây ra “hiệu ứng domino” hay không hiện vẫn chưa thể kết luận. Tuy nhiên, chỉ cần có quốc gia hoặc khu vực mới xuất hiện tình trạng đồng nội tệ mất giá thì sẽ mang lại rủi ro và bất ổn mới cho nền kinh tế toàn cầu, mối đe dọa sẽ không ngừng gia tăng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục