Triển vọng thị trường dầu cọ thế giới năm 2024

07:06' - 03/12/2023
BNEWS Theo tờ BusinessToday (Malaysia), giá thị trường dầu cọ năm 2024 dự kiến có xu hướng tích cực hơn với dầu cọ thô kỳ hạn trong thời gian còn lại của năm 2023.

Theo tờ BusinessToday (Malaysia), giá thị trường dầu cọ năm 2024 dự kiến có xu hướng tích cực hơn với dầu cọ thô kỳ hạn trong thời gian còn lại của năm 2023 và đến năm 2024 được dự đoán dao động trong khoảng từ 3.700 RM (khoảng 794 USD)/tấn đến 4.100 RM/tấn.

Thị trường dầu ăn hiện đang phục hồi sau áp lực bán đáng kể đối với dầu hướng dương trong vài tháng qua. Xu hướng sản xuất theo mùa, điều kiện khí hậu nóng hơn và nhu cầu nhiên liệu sinh học ngày càng tăng dự kiến sẽ gây áp lực tăng giá dầu cọ.

Giá dầu ăn biến động trong vài năm qua do nhiều yếu tố, bao gồm hạn chế xuất khẩu, thiếu lao động và xung đột tại Ukraine, dẫn đến nguồn cung dầu ăn thấp hơn.

Năm 2022, xung đột tại Ukraine dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dầu hướng dương toàn cầu, khiến giá dầu cọ đạt mức cao kỷ lục.

Vào tháng 7/2022, việc thành lập Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen (BSGI) đã cho phép Ukraine xuất khẩu dầu hướng dương qua khu vực Biển Đen mang lại nguồn cung dầu hướng dương ổn định trên toàn cầu.

Trong năm tiếp thị kết thúc vào ngày 31/8/2023, xuất khẩu dầu hướng dương của Ukraine đã tăng 27,3% lên 5,7 triệu tấn và do thu hoạch được nhiều hạt giống nên xuất khẩu dầu hướng dương của Nga cũng tăng 28,6% lên 4,1 triệu tấn.

Điều này đã khiến giá dầu hướng dương giảm xuống thấp hơn giá dầu đậu nành, thậm chí ở châu Âu còn giảm giá so với giá dầu cọ. Thông thường, giá dầu hướng dương giao dịch cao hơn giá dầu đậu nành, tiếp theo là giá dầu cọ.

Dầu đậu nành, sản phẩm thay thế dầu cọ quan trọng và là yếu tố quyết định giá dầu cọ, cũng bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết El Niño.

Quốc gia sản xuất đậu tương lớn nhất là Brazil đã trải qua thời tiết khô hạn ở Mato Grosso và mưa nhiều ở Parana, dẫn đến tốc độ trồng trọt chậm, với một số khu vực có thể cần phải trồng lại.

Tổng sản xuất của hai khu vực này chiếm khoảng 40% sản lượng đậu tương của Brazil. Do đó, giá dầu cọ sẽ được hỗ trợ bởi sự hội tụ tiềm năng với giá dầu đậu nành khi mức giảm giá thu hẹp trong bối cảnh nguồn cung đậu nành không chắc chắn.

 

Trong ngắn hạn, nguồn cung hạn chế dự kiến sẽ đẩy giá dầu cọ gia tăng. Điển hình là sản lượng dầu cọ sụt giảm sau khi đạt đỉnh vào tháng 9 hoặc tháng 10, trong đó quý đầu năm có sản lượng thấp nhất. Xu hướng sản lượng thấp hơn theo mùa này sẽ làm giảm tồn kho dầu cọ, gây áp lực tăng giá, đặc biệt là trong quý I/2024.

Ngoài ra, điều kiện thời tiết khô và nóng hơn của El Niño ở Đông Nam Á đã ảnh hưởng đến Indonesia vốn là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất. Với tác động của El Niño đối với sản xuất dầu cọ thường thấy ít nhất một năm sau đó, sản lượng dự kiến sẽ giảm trong nửa cuối năm 2024.

Ngoài ra, tại các quốc gia sản xuất dầu cọ lớn là Malaysia và Indonesia (83% sản lượng toàn cầu tính đến tháng 11/2023), sự tăng trưởng diện tích trồng cọ dầu bị trì trệ, diện tích các đồn điền cọ dầu chưa trưởng thành bị thu hẹp và cây trưởng thành không sinh sản sẽ gây cản trở tổng thể tăng trưởng sản xuất.

Về phía cầu, việc sử dụng dầu diesel sinh học sẽ là yếu tố thúc đẩy. Indonesia đã thực hiện bắt buộc sử dụng dầu diesel sinh học chứa 35% dầu cọ (B35) trong lĩnh vực giao thông vận tải. Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI) dự kiến việc sử dụng dầu cọ làm dầu diesel sinh học sẽ vượt quá mức tiêu thụ thực phẩm.

Năm 2024, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo mức tiêu thụ dầu cọ toàn cầu sẽ tăng 4,9% lên 77,2 triệu tấn. Ngoài ra, Biên bản ghi nhớ (MoU) được ký giữa Trung Quốc và Malaysia nhằm đảm bảo nguồn cung dầu cọ cũng sẽ hỗ trợ nhu cầu về dầu cọ.

Với điều kiện thời tiết El Niño đang diễn ra, ảnh hưởng theo mùa và chênh lệch giá cả, giá dầu cọ thô dự kiến sẽ có xu hướng tăng nhẹ trong thời gian tới. Có những rủi ro tăng giá tích cực có thể dẫn đến giá được duy trì trên 4.000 RM/tấn như sản lượng đậu tương và hạt hướng dương thấp hơn dự kiến, cũng như sự hội tụ kỹ thuật giữa giá dầu cọ và đậu tương sẽ thu hẹp khoảng cách chiết khấu.

Mặt khác, rủi ro giảm giá đối với những ước tính này bao gồm nhu cầu thấp hơn dự kiến từ Ấn Độ và Trung Quốc, việc nới lỏng các hạn chế xuất khẩu của Indonesia, điều kiện thời tiết thuận lợi và sản lượng dầu ăn cao hơn dự kiến.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục