Triển vọng và thách thức trong quan hệ kinh tế Mỹ-EU

06:30' - 12/01/2021
BNEWS Liên minh châu Âu (EU) muốn cải thiện quan hệ kinh tế với Mỹ, không chỉ để giải quyết tranh chấp thương mại mà còn liên quan đến các ưu tiên của EU như chính sách khí hậu và chuyển đổi kỹ thuật số.

Theo hai chuyên gia phân tích Melchior Szczepanik và Paweł Markiewicz thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan, những lợi ích chung trong quan hệ với Trung Quốc, ý định của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tăng cường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tham vọng của ông về khí hậu đang tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác trên. 

Tuy nhiên, các quy định liên quan đến những tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ cùng với thâm hụt thương mại vẫn sẽ là những vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ kinh tế Mỹ - Liên minh châu Âu (EU).

Hai chuyên gia trên cho rằng những bất đồng và căng thẳng trong quan hệ Mỹ-EU đã diễn ra liên tục trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã tìm cách giảm thâm hụt thương mại của Mỹ bằng cách áp thuế đối với một số hàng hóa châu Âu. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng gây thất vọng đối với các nhà lãnh đạo EU. 

Do đó, việc ông Biden thắng cử được coi là cơ hội để cải thiện quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Ngày 2/12/2020, Ủy ban Châu Âu (EC) đã ra thông báo trong đó có một số đề xuất giải quyết các bất đồng thương mại, cũng như các nỗ lực chung về chống biến đổi khí hậu và các hành động phối hợp trong lĩnh vực kỹ thuật số. 

Về thương mại, trước cuộc bầu cử tổng thống, ông Biden đã chỉ trích chính sách bảo hộ của Chính quyền Tổng thống Trump. Vì vậy, EU cho rằng Tổng thống Mỹ sắp tới sẵn sàng rút lại các mức thuế quan do người tiền nhiệm áp đặt, đặc biệt trong bối cảnh các biện pháp của ông Trump không làm thay đổi quan hệ thương mại có lợi cho Mỹ (thặng dư của EU với Mỹ năm 2019 đã tăng 33% so với năm 2016).

Do đó, tân Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách đảm bảo việc tiếp cận thị trường EU dễ dàng hơn đối với hàng hóa Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp. Cải thiện cơ hội xuất khẩu cho các công ty Mỹ sẽ là điểm nổi bật trong chương trình nghị sự chính trị của ông Biden.

Tuy nhiên, cơ hội để hai bên đạt được một hiệp định thương mại trên phạm vi rộng là rất nhỏ. Vào tháng 11/2020, Ủy viên EU phụ trách thương mại Valdis Dombrovskis cho biết, sự phản đối đối với một thỏa thuận như vậy vẫn còn mạnh mẽ ở cả hai bên và đề nghị đàm phán các thỏa thuận ở cấp độ ngành.

Ngoài các vấn đề song phương, mối quan hệ của cả Mỹ và châu Âu với Trung Quốc sẽ là trung tâm của sự chú ý. EU và Mỹ theo đuổi những nỗ lực chung nhằm đạt được sự có đi có lại trong quan hệ kinh tế với đối tác châu Á này, đồng thời loại bỏ các quy định tiêu cực như ép buộc chuyển giao công nghệ hoặc tìm cách thâu tóm các công ty công nghệ của những công ty Trung Quốc được nhà nước hỗ trợ.

Tổng thống Biden tuyên bố rằng, ông sẽ tìm cách kiến thiết lập trường chung về Trung Quốc với các đồng minh lớn của Mỹ. Về phần mình, EU đã tuyên bố sẵn sàng phối hợp hành động với Mỹ, nhưng ngày 30/12, EC cho biết đã kết thúc đàm phán một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc.

Về vấn đề khí hậu, việc bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng John Kerry, người đã đàm phán Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, vào vị trí đặc phái viên về khí hậu cho thấy sự sẵn sàng của Tổng thống Biden nhằm tăng cường hoạt động trong lĩnh vực này. Hiện nay, 73% số người dân Mỹ coi biến đổi khí hậu là một thách thức xã hội quan trọng.

Ông Biden từng tuyên bố sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu nhằm khuyến khích các quốc gia có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (GHG) lớn cam kết cắt giảm nhanh chóng. Ông Biden cũng tuyên bố rằng Mỹ sẽ phấn đấu đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050. 

Tổng thống đắc cử Biden dự kiến sẽ tập trung chú ý vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là đầu tư vào công nghệ năng lượng Mặt Trời và gió. Mục tiêu là sản xuất 100% năng lượng điện không phát thải CO2 vào năm 2035 (hiện nay là khoảng 38%).

Việc Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có ý nghĩa quan trọng đối với EU - khu vực luôn nỗ lực vận động các nước lớn giảm lượng khí thải. Mỹ tạo ra gần như gấp đôi lượng GHG so với EU và nếu không có sự tham gia của Washington, sẽ khó đạt được các mục tiêu của hiệp định.

Hơn nữa, sự tham gia của Mỹ sẽ giúp EC thuyết phục các nước thành viên thực hiện các mục tiêu chính sách khí hậu đầy tham vọng của liên minh, bao gồm cả việc thực hiện thuế carbon ở biên giới. Cơ chế này sẽ không chỉ bảo vệ các công ty EU trước sự cạnh tranh với các quốc gia thiếu các tiêu chuẩn môi trường tương tự, mà còn hỗ trợ trong việc tài trợ cho quỹ khắc phục đại dịch.

Về công nghệ, EU đang kỳ vọng sẽ hợp tác với chính quyền mới của Mỹ về các vấn đề liên quan đến thị trường công nghệ. Ngày 15/12/2020, EC đã đưa ra hai dự án pháp lý để hình thành một bộ quy tắc hoạt động trong lĩnh vực này. Những giải pháp này sẽ có tác động đáng kể đến các công ty Mỹ, được gọi là "những gã khổng lồ" công nghệ như Amazon, Apple, Facebook và Google.

Các mục tiêu của EU bao gồm bảo vệ sự cạnh tranh và đảm bảo rằng các tập đoàn lớn không lạm dụng vị thế vững chắc của họ để cản trở các công ty nhỏ hơn tham gia thị trường. Các nhà lãnh đạo EU hy vọng rằng ông Biden sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán thông qua Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để tìm kiếm nhận thức chung quốc tế về vấn đề này. Việc tránh thuế của những gã khổng lồ công nghệ sẽ không chỉ làm tổn hại đến hình ảnh của họ ở EU mà còn cả của Mỹ.

Ở Mỹ, những lo ngại về những gã khổng lồ công nghệ, tương tự như nhiều chính trị gia châu Âu quan ngại, cũng đang gia tăng, đặc biệt là một số thành viên của đảng Dân chủ. Các phán quyết của tòa án về các vụ kiện chống độc quyền liên quan đến Facebook và Google cũng như áp lực từ các đảng viên đảng Dân chủ có thể buộc Chính quyền Biden sẽ phải đề ra các quy định trong lĩnh vực này trong tương lai.

Tuy nhiên, những gã khổng lồ công nghệ như Amazon và Facebook đã ủng hộ chiến dịch bầu cử của ông Biden bằng cách quyên góp tới 4,7 triệu USD. Vì thế, ông Biden đã đề xuất tăng thuế đối với lợi nhuận của các công ty Mỹ ở nước ngoài nhưng không giống như kế hoạch của EU, theo cách chuyển số tiền thu được vào ngân sách của Mỹ, thay vì cho những quốc gia tạo ra lợi nhuận.

Đảng Dân chủ Mỹ cũng cởi mở hơn đảng Cộng hòa đối với các đề xuất do EC đưa ra về việc áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu chung và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, họ lo ngại rằng những quy định như vậy có thể hạn chế sự đổi mới công nghệ. Các đảng viên đảng Dân chủ cũng chia sẻ sự hoài nghi của Chính quyền Tổng thống Trump đối với các đồng minh của Mỹ đang phát triển hợp tác sâu hơn với Trung Quốc về công nghệ 5G.

Tóm lại, hai chuyên gia Melchior Szczepanik và Paweł Markiewicz nhận định, thông qua cam kết cải thiện quan hệ với Mỹ, EU không chỉ tìm cách chấm dứt nguy cơ chiến tranh thương mại mà còn đơn giản hóa việc đạt được các mục tiêu chính như tăng tốc giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng các tiêu chuẩn thị trường công nghệ, đồng thời tạo ra các nguồn doanh thu mới. 

Ông Biden sẵn sàng hơn so với người tiền nhiệm của mình khi coi EU như một đối tác trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc EU ký kết thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc ngay trước lễ nhậm chức của Chính quyền Mỹ mới có thể làm giảm quyết tâm này.

Thâm hụt thương mại ngày càng tăng với Mỹ cũng sẽ là một thách thức đối với Tổng thống Biden, mặc dù ông tuyên bố không muốn chiến tranh thương mại. Trong các cuộc đàm phán liên quan đến lĩnh vực công nghệ, mặc dù có sự hợp tác trong lĩnh vực như an ninh mạng, Mỹ có thể lo ngại rằng các quy định của EU không chỉ xuất phát từ mối quan tâm đến cạnh tranh công bằng mà còn từ nỗ lực hỗ trợ các công ty châu Âu.

Ngoài ra, chính quyền của ông Biden có thể mâu thuẫn với các kế hoạch của EU nhằm tăng cường quyền tự chủ chiến lược kinh tế. Một số kế hoạch của EU, đặc biệt là những kế hoạch nhằm đạt được chủ quyền công nghệ, có thể dẫn đến những xung đột tiềm tàng với Mỹ. 

Sự phát triển mối quan hệ kinh tế Mỹ-EU cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tiến độ của các cuộc thảo luận liên quan đến hợp tác chính trị về các vấn đề như tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay ủng hộ chủ nghĩa đa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục