Trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2015

20:31' - 22/05/2017
BNEWS Quốc hội đã nghe các thành viên Chính phủ trình bày Báo cáo Quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2015 và một số tờ trình về sửa đổi dự án luật các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu
 Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 22/5, Quốc hội đã nghe các thành viên Chính phủ trình bày Báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015; Báo cáo Kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015; Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp.

* Đảm bảo sử dụng ngân sách Nhà nước đúng mục đích, hiệu quả

Thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình chính trị - kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt giá dầu giảm nhanh và sâu ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu, gây áp lực lên cân đối ngân sách.

Thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt là ngân sách Trung ương giảm, nhu cầu chi tăng cao cả về chi đầu tư cơ sở hạ tầng và chi an sinh xã hội.

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2015 cụ thể: Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 1.291.342 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn năm 2014 chuyển sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.502.189 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016).

Báo cáo chỉ rõ, việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp đồng bộ nhằm phấn đấu phục hồi tăng trưởng kinh tế, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng đến kết quả thu, chi ngân sách năm 2015. Nhờ đó đã tăng chi đầu tư phát triển hợp lý, ưu tiên đối với nông nghiệp, nông thôn, các địa phương miền núi, Tây Nguyên, thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội .

Tuy nhiên, công tác quản lý ngân sách Nhà nước ở một số đơn vị, địa phương còn một số tồn tại hạn chế; đòi hỏi phải tiếp tục có những giải pháp khắc phục hiệu quả.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Thẩm tra về Báo cáo Quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2015, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, một số khoản thu không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự ổn định, vững chắc.

Số vượt thu trong năm 2015 chủ yếu là do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước và thu từ đất đai, tài nguyên còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách Nhà nước, thể hiện tính thiếu bền vững và chưa xuất phát từ nội lực phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, công tác quản lý thu thuế vẫn có mặt hạn chế, chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu; việc hoàn thuế giá trị gia tăng chưa kịp thời, dẫn đến quyết toán chưa phản ánh chính xác số thu và bội chi ngân sách Nhà nước.

Về Quyết toán chi cân đối ngân sách Nhà nước năm 2015 là 1.502.189 tỷ đồng , Ủy ban Tài chính – Ngân sách đánh giá công tác quản lý, chấp hành dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2015 có tiến bộ, bám sát chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách Nhà nước được tăng cường , góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công.

Tuy nhiên, chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán. Bên cạnh đó, sai phạm, thất thoát, lãng phí trong chi đầu tư xây dựng cơ bản vẫn xảy ra .

Công tác phân bổ, giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển chưa kịp thời, chưa bảo đảm đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương còn lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, đảm bảo sử dụng ngân sách Nhà nước đúng mục đích, hiệu quả” , Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Đối với nợ công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, các chỉ số dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép nhưng dư nợ Chính phủ đã chạm trần là 50% GDP, nợ công là 61 ,8 % GDP.

Công tác quản lý nợ công còn những hạn chế như: không lập báo cáo giám sát nợ công và bản tin nợ công năm 2015; đã lập chứng từ ghi thu - ghi chi nhưng chưa thực hiện ghi thu - ghi chi và phản ánh vào quyết toán ngân sách Nhà nước số tiền 18.123 tỷ đồng khoản vay nước ngoài về cho vay lại của 5 dự án đường bộ cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, bảo đảm minh bạch, hiệu quả.

* Xây dựng hệ thống tổ chức tín dụng lành mạnh

Theo Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” ban hành kèm Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012, đ ến nay, việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu lớn; tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.

Bên cạnh đó, việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng và nền kinh tế .

Tờ trình chỉ rõ, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng là cơ chế, chính sách về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề mới, phức tạp phát sinh trong quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém mà pháp luật chưa có quy định hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời.

Vì thế, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém là rất cần thiết , nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Dự thảo Luật được xây dựng gồm 5 Điều, trong đó sửa đổi 20 Điều, bổ sung 26 Điều và bãi bỏ 1 điểm của Luật các tổ chức tín dụng.

Cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016 – 2020, thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng nhằm xây dựng hệ thống tổ chức tín dụng lành mạnh về tài chính, quản trị theo thông lệ quốc tế, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và là kênh huy động vốn hiệu quả cho phát triển kinh tế nói chung.

Dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, theo đó tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền, cách thức cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, các biện pháp hỗ trợ phục hồi các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống .

Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng với Hiến pháp và các luật có liên quan nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

* Khắc phục bất cập của hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu

Tại phiên làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng ” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”(VAMC) ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 , đ ến nay, t oàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu .

Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần giúp các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, ngành chiến lược theo định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Bên cạnh kết quả nêu trên, quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm , xử lý tài sản bảo đảm.

Quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án , thi hành án rất chậm , không hiệu quả .

Ngoài ra , việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm , bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để.

Cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn bất cập, gây nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu của tổ ch ức tín dụng ; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu...

Quá trình tổng kết cho thấy một trong những n guyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các tổ chức tín dụng, quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu .

Nếu các khó khăn, vướng mắc về xử lý nợ xấu không được tháo gỡ thì sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, hạn chế quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp, khó giảm được lãi suất cho vay, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Tờ trình chỉ rõ, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết , nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về xử lý nợ xấu, bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của tổ chức tín dụng; khắc phục các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm.

Dự thảo Nghị quyết gồm 18 Điều quy định một số nội dung cơ bản về phạm vi điều chỉnh và khái niệm nợ xấu; quyền chủ nợ và phát triển thị trường mua bán nợ; xử lý tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo và quyền xử lý tài sản bảo đảm...

Theo chương trình, ngày mai (23/5), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục