Trợ cấp toàn cầu cho nhiên liệu hóa thạch cao kỷ lục trong năm 2022

08:12' - 27/08/2023
BNEWS Theo ước tính mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trợ cấp toàn cầu cho nhiên liệu hóa thạch đã tăng 2.000 tỷ USD trong 2 năm qua và lên mức kỷ lục 7.000 tỷ USD trong năm ngoái.

IMF công bố báo cáo nêu rõ tổng chi trợ cấp trên tăng vọt do chi tiêu tiêu dùng phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19 cũng như do chi phí năng lượng tăng cao trước các tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.

Điều này đang gây áp lực lên ngân sách, "chất" thêm ô nhiễm và làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu.

Báo cáo nhấn mạnh trợ cấp cho dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên đang chiếm tới 7,1% GDP toàn cầu.

Số tiền này nhiều hơn kinh phí hằng năm mà các chính phủ cấp cho lĩnh vực giáo dục (chỉ khoảng 4,3% GDP toàn cầu) và tương đương 2/3 kinh phí chi cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (10,9%).

 

IMF cảnh báo các khoản trợ cấp tiềm ẩn (implicit subsidy), nghĩa là phí tổn do ô nhiễm không khí và tình trạng nóng lên toàn cầu, chiếm phần lớn trong tổng mức trợ cấp toàn cầu và có xu hướng tiếp tục tăng.

Nhiều nước châu Phi và các quốc gia khác trong thế giới đang phát triển đã cắt giảm trợ cấp nhiên liệu trong những năm gần đây do gia tăng nợ và chi phí đi vay. Tuy nhiên, các quốc gia thịnh vượng hơn, nơi tiêu thụ năng lượng nhiều hơn, ít phải đối mặt với áp lực tài chính hơn trong việc cắt giảm chi phí trợ cấp.

IMF nêu rõ chi phí trợ cấp hiện hữu (Explicit subsidy), nghĩa là số tiền chính phủ phải chi trả trực tiếp để giữ điện hoặc giá xăng ở mức thấp, đã tăng hơn 2 lần kể từ năm 2020 lên mức 1.300 tỷ USD.

Những chi phí đó có thể sẽ giảm khi giá năng lượng "hạ nhiệt" và đó là thời điểm lý tưởng để loại bỏ các khoản trợ cấp. Tuy nhiên, thể chế tài chính quốc tế này nhấn mạnh chi phí trợ cấp tiềm ẩn mới là vấn đề đáng quan ngại hơn cả. Mức phí này có thể tiếp tục tăng do thiệt hại ngày một lớn khi hiện tượng Trái Đất ấm lên đang ngày càng lan rộng. Đơn cử trong năm ngoái, người tiêu dùng không trả hơn 5.000 tỷ USD phí tổn môi trường.

Báo cáo của IMF kết luận việc loại bỏ cả chi phí trợ cấp hiện hữu và tiềm ẩn ước tính sẽ ngăn được nguy cơ tử vong sớm đối với 1,6 triệu người mỗi năm, đồng thời góp phần tăng ngân sách nhà nước thêm 4.400 tỷ USD. Bên cạnh đó, việc loại bỏ cả hai dạng trợ cấp này còn giúp lộ trình hạn chế phát thải đi đúng quỹ đạo để có thể đạt được các mục tiêu chống biến đối khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục