Trợ lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng tốc trong thời đại số

14:03' - 03/10/2019
BNEWS Mặc dù có nhiều hỗ trợ của Chính phủ, Bộ, ngành, nhưng doanh nghiệp SMEs vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát triển bền vững, cũng như hội nhập.
Hỗ trợ về thị trường là một trợ lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng tốc. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy đóng góp hơn 45% GDP cả nước, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) vẫn không chỉ mãi nhỏ về quy mô mà nhiều doanh nghiệp đã mất hút sau vài năm phát triển; trong đó, doanh nghiệp ngành sản xuất chiến tỷ lệ lớn trong tổng số doanh nghiệp SMEs.

Đây là thông tin được cho biết tại Hội thảo “Các trợ lực để doanh SMEs ngành sản xuất tăng tốc trong thời đại số” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Công ty Kizuna tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, sáng 3/10.

Việt Nam có khoảng 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và tỷ lệ này duy trì trong nhiều năm liền. Mặc dù có nhiều hỗ trợ của Chính phủ, Bộ, ngành, nhưng doanh nghiệp SMEs vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát triển bền vững, cũng như hội nhập.

Điển hình, doanh nghiệp SMEs không chỉ đối mặt với thách thức về tài chính, xây dựng nhà xưởng… mà còn vướng thủ tục hành chính, phương thức quản trị kinh doanh…

Đặc biệt, thị trường thương mại tự do và làn sóng công nghệ 4.0 đã và đang đặt bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp SMEs. 

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho hay, từ điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) cho thấy bức tranh chung về SMEs với phần lớn hình thành từ hộ kinh doanh.

Đồng thời,doanh nghiệp SMEs có trình độ học vấn tương đối cao và xuất thân đa dạng; chỉ tập trung thị trường nội địa.

Cụ thể, có 77% doanh nghiệp siêu nhỏ và 69% doanh nghiệp nhỏ đi lên từ hộ kinh doanh. Đối với nhóm doanh nghiệp quy mô vừa, số doanh nghiệp trước đó là hộ kinh doanh chiếm 55%.

Ngoài ra, chỉ có 3% doanh nghiệp siêu nhỏ, 4% doanh nghiệp nhỏ và gần 9% doanh nghiệp quy mô vừa có khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài.

Kết quả điều tra này cũng chỉ ra rằng, có khoảng 20% doanh nghiệp siêu nhỏ; 14% doanh nghiệp quy mô nhỏ và doanh nghiệp quy mô vừa nhận thấy những cơ hội thị trường là tệ hơn so với kỳ vọng ban đầu. Trong khi đó, con số này của các doanh nghiệp quy mô lớn chỉ là 6%.

Còn theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường InsinghtAsia, trong số những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp SMEs ở Việt nam vấn đề dẫn đầu.

Cụ thể, có 62% số người được hỏi cho rằng họ gặp khó về nguồn vốn để đầu tư nhà xưởng, máy móc; 60% về nguồn khách hàng; 45% về pháp lý…

Bà Trần Thị Liên Phương, Giám đốc nghiên cứu InsightAsia cho biết, doanh nghiệp SMEs ngành sản xuất hiện mong muốn có môi trường sản xuất hiệu quả, ổn định; có thể phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường…

Bên cạnh đó, về lâu dài doanh nghiệp SMEs kỳ vọng có thể sở hữu nhà xưởng. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện được các mục tiêu này và cho đến nay vẫn đang tiếp tục giữ mức “siêu nhỏ” hoặc nhỏ.

Mặt khác, những điểm yếu hiện tại của doanh nghiệp SMEs, cùng với những thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế thế giới đã và đang là nguyên nhân sẽ khiến họ còn gặp khó khăn hơn trong tương lai.

Do đó, việc cần làm của khối doanh nghiệp này là phải chủ động trước cơ hội lẫn thách thức. Về lâu dài, doanh nghiệp SMEs cần phải có chiến lược phù hợp để thích nghi với sự thay đổi và diễn biến thị trường.

Tại Việt Nam có 86% doanh nghiệp SMEs (theo mẫu khảo sát của Microsoft toàn cầu) tiếp cận tốt với công nghệ thông tin, cao hơn tỷ lệ này ở rất nhiều nước tại châu Á như Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản…

Ông Đỗ Khắc Cương, Giám đốc quốc gia phụ trách khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của Microsoft cho rằng, trong thời gian tới, doanh nghiệp SMEs sẽ thực sự tăng tốc nếu tận dụng thế mạnh công nghệ để phát triển.

Song song đó, doanh nghiệp SMEs nên từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa dữ hiệu… phục vụ cho phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số.

Để có thể thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp SMEs Việt Nam phát triển bền vững, một số chuyên gia nhấn mạnh,  những chính sách và pháp luật có liên quan tới doanh nghiệp SMEs cần thực hiện nhằm tháo gỡ những khó khăn.

Đồng thời, các chính sách phải thật thiết thực, cụ thể như hỗ trợ tiếp cận vốn, đất đai, tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp…

Thêm vào đó việc cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những giải pháp rất cần thiết, giúp doanh nghiệp xóa bỏ chi phí không chính thức mà họ đang phải gánh chịu như hiện nay. Các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục