Trợ lực giúp người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất

08:39' - 13/09/2022
BNEWS Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã kịp thời giải ngân giúp hàng nghìn người dân, doanh nghiệp được vay vốn, tạo thêm động lực tài chính để phục hồi, phát triển sản xuất.

Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã kịp thời giải ngân giúp hàng nghìn người dân, doanh nghiệp được vay vốn, tạo thêm động lực tài chính để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

 

*Kịp thời giải ngân vốn

Sau hơn 2 năm, kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, kinh tế của người dân và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ rơi vào tình cảnh khó khăn do thiếu vốn đầu tư, tái sản xuất...

Để người dân và doanh nghiệp sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP; trong đó, chương trình đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phương án huy động và bố trí nguồn lực thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể.

Trên tinh thần đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã triển khai các bước hướng dẫn, thực hiện kịp thời việc giải ngân vốn đúng đối tượng; bảo đảm công khai, minh bạch để người nghèo và các đối tượng chính sách vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống.

Từ đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội và phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Anh Trần Bá Đức, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa cho biết, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của xã, anh Đức được vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP với lãi suất ưu đãi 7,92%/năm, để ổn định hoạt động và mở rộng quy mô trại.

“Theo dự định gia đình tôi trồng 6ha keo và mở rộng khu chăn nuôi, nhưng do thiếu vốn nên mới chỉ trồng được 5ha và đầu tư xây dựng 2 dãy nhà chăn nuôi lợn, gà. Nay được vay 50 triệu đồng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ gia đình có cơ hội đầu tư trồng 1 ha keo còn lại trong tổng số 8 ha đất trang trại của gia đình và đầu tư thêm lợn giống…” anh Đức chia sẻ.

Đăng ký vay vốn Chương trình mua nhà ở xã hội, xây mới sửa chữa nhà để ở theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, chị Nguyễn Thị Hiền, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ vui vẻ chia sẻ, với mức thu nhập từ làm nghề may vá tự do của cả hai vợ chồng thì việc tích góp đủ tiền để xây dựng một căn nhà là điều rất khó thực hiện, nhất là sau thời gian dài công việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chị đã được vay 250 triệu đồng để xây nhà với kỳ hạn trả lên tới 10 năm, lãi suất ưu đãi 4,8%/năm.

“Nhờ gói vay ưu đãi này, giờ đây vợ chồng tôi đã xây dựng được căn nhà cấp 4, rộng hơn 80m2 để ổn định cuộc sống. Điều này thực sự có ý nghĩa rất lớn để cho các cháu được có nơi ăn, chốn ở được trang hoàng hơn, sạch sẽ hơn; bản thân cũng yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống…” chị Hiền cho hay!

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hạ Hòa cho biết, tính đến hết tháng 8/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hạ Hòa đã thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP đạt tổng dư nợ gần 11 tỷ đồng với hơn 500 khách hàng vay vốn.

Trong đó, cho vay giải quyết việc làm đạt 6,5 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến đạt gần 3,7 tỷ đồng, cho vay cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 160 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của người dân ở nhiều địa phương tỉnh Phú Thọ, mức cho vay ở 1 số chương trình còn thấp so với nhu cầu vay vốn đầu tư vào trang trại hay mở xưởng để  sản xuất…

Người dân mong muốn, các cấp chính quyền đề xuất với Trung ương nghiên cứu, xem xét nâng mức vay của chương trình hỗ trợ tạo việc làm; duy trì và mở rộng việc làm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững…

*Đưa nghị quyết vào cuộc sống

Xác định nguồn vốn tín dụng là “trợ lực” để khôi phục và phát triển nền kinh tế sau dịch COVID-19, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các địa phương và các ngành liên quan tiến hành rà soát nhu cầu vay vốn của các hộ dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mới.

Từ đó, bảo đảm chính sách được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đồng thời, kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình sử dụng vốn vay của các đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng.

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết, xác định Nghị quyết 11/NQ-CP là “chìa khóa vàng” với những giải pháp căn cơ của Chính phủ đưa ra nhằm lấy lại đà tăng trưởng, phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề lao động, việc làm…

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã chủ động phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành tham mưu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương tín dụng chính sách mới của Đảng, Nhà nước để người dân, doanh nghiệp nắm bắt. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP để triển khai thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, góp phần đưa Nghị quyết của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống.

Năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ được giao chỉ tiêu kế hoạch cho vay 5 chương trình thuộc Nghị quyết 11/NQ-CP với tổng số tiền gần 226 tỷ đồng; trong đó: Chương trình cho vay giải quyết việc làm 100 tỷ đồng; chương trình cho vay nhà ở xã hội 78,1 tỷ đồng; chương trình cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến gần 27 tỷ đồng; chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 3,6 tỷ đồng và chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 17 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 8/2022, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 4.357 khách hàng, với số tiền hơn 171 tỷ đồng; trong đó, cho vay giải quyết việc làm việc làm đạt 100 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội gần 44 tỷ đồng; học sinh, sinh viên vay mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến 26 tỷ đồng và cho vay là cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập là 2,1 tỷ đồng.

Riêng chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đang tích cực phối hợp Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai, thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Tĩnh, hiện nay việc triển khai cho vay, giải ngân nguồn vốn đến với người dân và doanh nghiệp trong tỉnh đang được thực hiện rất thuận lợi, nhờ sự vào cuộc, phối kết hợp rất đồng bộ, nhịp nhàng của chính quyền và các hội đoàn thể cùng Ngân hàng Chính sách xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã kịp thời “bơm” vốn cho người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau đại dịch COVID-19 ở Phú Thọ.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ tiếp tục phối hợp với các sở ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị liên quan rà soát nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP.

Đồng thời, đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam những mong muốn của người dân nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của người dân trong tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục