Trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap cho doanh thu 260 triệu đồng/ha/năm

10:56' - 13/09/2017
BNEWS Hiệu quả kinh tế của cây cam cao gấp 5 lần cây cao su, 10 lần cây keo, 7 lần cây sắn công nghiệp.
Trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap cho doanh thu 260 triệu đồng/ha/năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Xác định cam là một trong những cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế nông hộ, giai đoạn từ nay đến năm 2020, huyện miền núi Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) phấn đấu trồng 400 ha cam theo tiêu chuẩn VietGap, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Cam là loại cây trồng thích nghi với điều kiện tự nhiên khu vực này. Cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, quả thơm ngon. Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây cam, huyện Nam Đông vận động bà con nhân rộng diện tích trồng cam, mang lại thu nhập khá cao cho nhiều hộ dân.
Hiện toàn huyện đã trồng được 75 ha cam; trong đó có 30 ha cho thu hoạch. Nhiều hộ trồng cam đạt hiệu quả với một số mô hình có năng suất đạt 20 tấn/ha/năm, thu nhập đạt 300 triệu đồng/ha/năm.
Theo tính toán, trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap ở Nam Đông cho năng suất bình quân 17,5 tấn/ha, bán với giá hiện tại thấp nhất ở vườn là 15 triệu đồng/tấn, cho doanh thu bình quân 260 triệu/ha/năm. Hiệu quả kinh tế của cây cam cao gấp 5 lần cây cao su, 10 lần cây keo, 7 lần cây sắn công nghiệp. Trong khi chu kỳ của cây cam thời kỳ cho thu hoạch kéo dài trong 12 năm.
Hiện nay, huyện Nam Đông đang vận động bà con chuyển đổi một số mô hình trồng cây cho hiệu quả thấp, các diện tích cao su đổ gãy nhiều, diện tích cao su già cỗi đến thời kỳ tái canh kém hiệu quả để trồng cam.

Huyện chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con sản xuất, trồng cam theo tiêu chuẩn ViệtGAP, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất từ khâu sản xuất giống, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản và phân phối tiêu thụ sản phẩm; hướng tới xây dựng và phát triển thương hiệu "Cam Nam Đông".
Mô hình vườn - rừng đã thực sự là "đòn bẩy" phát triển kinh tế ở huyện miền núi Nam Đông. Theo đó, chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện từ nay đến năm 2020 cũng tập trung phát triển bền vững kinh tế vườn, rừng; trong đó phấn đấu mỗi ha kinh tế vườn đạt từ 27 - 29 triệu đồng, riêng cây cao su đạt 45 - 50 triệu đồng/ha; kinh tế rừng đạt từ 40 - 45 triệu đồng/ha. Nam Đông phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới.
Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, kinh tế chậm phát triển của tỉnh Thừa Thiên - Huế, huyện Nam Đông đã vận động bà con thay đổi lối sống du canh du cư "phát, đốt, cốt, trỉa" sang định canh, định cư bằng việc thực hiện phong trào xóa nhà tạm và lập vườn phát triển kinh tế.

Từ một số ít diện tích cây cao su được đưa vào trồng thử trên đất Nam Đông vào năm 1993, đến nay, huyện miền núi Nam Đông đã trồng được gần 5.000 ha cây cao su; trong đón hơn 1.300 ha diện tích cây trồng đã cho mủ; doanh thu là 50 tỷ đồng/năm.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm Nam Đông tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc và khai thác mủ cao su cho người dân. Nhờ đó, cây trồng phát triển tốt, hiệu quả khai thác được tăng lên hàng năm.

Nhiều hộ có diện tích khai thác mủ từ 4 - 5 ha có thể cho thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày; tính ra mỗi năm có hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Cao su Nam Đông không chỉ cho năng suất và sản lượng khá cao, mà sản phẩm được đánh giá đạt chất lượng cao.
Xã Hương Phú - nơi hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới sớm của huyện Nam Đông cũng nhờ phát triển cây cao su đã thay đổi căn bản về kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân. Toàn xã Hương Phú hiện đã trồng được 600 ha cao su, lớn nhất của huyện; trong đó có 200 ha cao su đang trong thời kỳ khai thác mủ.

Mỗi năm thu 150 - 200 tấn mủ tươi, bán với giá 4.000 đồng/kg, cho nguồn thu vào khoảng 600 - 800 triệu đồng. Xã có 30 hộ trồng được từ 3 - 5 ha cao su/hộ, khai thác mủ tươi bán cho thu nhập 20 triệu đồng/hộ/năm.../.

>> Hướng đi mới thu lãi gấp 4 lần so với trồng lúa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục