Trồng lúa đặc sản kết hợp thủy sản cho thu nhập cao

08:51' - 07/12/2018
BNEWS Ngành nông nghiệp Ninh Bình đang triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao dài ngày theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi trồng thủy sản tại các huyện Kim Sơn và Yên Khánh.

Thực hiện mô hình tại xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Nhằm nâng cao thu nhập trên đất trồng lúa, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ môi trường sinh thái, ngành nông nghiệp Ninh Bình đang triển khai thực hiện thí điểm mô hình sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao dài ngày theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi trồng thủy sản tại các huyện Kim Sơn và Yên Khánh.

Bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, làm cơ sở tiến tới nhân rộng mô hình trên địa bàn.

Thăm cánh đồng của người dân các xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh) và Xuân Thiện (huyện Kim Sơn) những ngày gần đây sẽ được hòa trong không khí nhộn nhịp, vui vẻ khi người dân bước vào vụ thu hoạch cá chạch sụn. Sau 3 tháng thả cá chạch sụn giống, người dân đã được thu hoạch những lưới cá đầu tiên với năng suất, chất lượng như dự kiến.

Anh Lưu Văn Kham, xóm 3, xã Xuân Thiện, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Xuân Thiện cho biết, trước đây người dân sản xuất lúa theo cách truyền thống với những giống lúa thuần chất lượng cao, sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật tràn lan nên ảnh hưởng đến sức khỏe người dân cũng như môi trường sống. Nay được chọn là một trong những hợp tác xã đầu tiên áp dụng mô hình sản xuất mới, kết hợp trồng lúa theo hướng hữu cơ kết hợp với nuôi cá chạch sụn nên chúng tôi phấn khởi lắm.

Đến vụ thu hoạch cá chạch sụn sau bao ngày chăm sóc, ai ai cũng phấn khởi và tin tưởng vào một mô hình sản xuất mới. Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Xuân Thiện vụ đầu tiên trồng lúa kết hợp với nuôi cá trước mắt triển khai thực hiện tại 2 ao với tổng diện tích 0,24 ha, thả 144.000 cá giống, nay cá đã phát triển đạt đến tiêu chuẩn thu hoạch ở mức từ 35-40 con/kg, giá bán từ 85.000.000 đến trên 100 nghìn đồng/kg. Anh Kham nhẩm tính sau 3 tháng thả nuôi cho thu hoạch trên 3 tấn cá, trị giá trên 300 triệu đồng.

Là một trong những địa phương được chọn thí điểm thực hiện dự án, ông Nguyễn Văn Sáng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Khánh Trung (huyện Yên Khánh) cho biết, hợp tác xã Khánh Trung có 7 hộ thành viên với diện tích đất sản xuất lên tới 5 ha. Trước đây, hợp tác xã sản xuất lúa truyền thống theo cách gieo sạ, dùng các chất vô cơ để chăm soc lúa, các hộ thành viên đều là hộ thuần nông, trình độ văn hóa không đồng đều, khả năng tiếp thu kho học kỹ thuật còn chậm.

Nay áp dụng mô hình sản xuất mới khiến hợp tác xã và các hộ dân không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Nhưng đến nay, qua hơn 3 tháng triển khai thực hiện dự án, các hộ sản xuất đã nhận thấy những hiệu quả thiết thực của mô hình mới. Hiện hợp tác xã đã thu hoạch diện tích lúa nếp cau và đang đi vào thu hoạch cá trạch sụn.

Mặt khác, cá trắm và cá chép giòn phát triển thuận lợi, hứa hẹn cho năng suất và sản lượng cao. Hiệu quả thấy rõ từ việc áp dụng trồng lúa theo hướng hữu cơ cho giá thành cao hơn 1,5 lần so với sản xuất truyền thống khiến cho bà con yên tâm. Bên cạnh đó, với 0,24 ha thả cá chạch sụn cùng 4,46 ha thả cá trắm, chép đang hứa hẹn một vụ bội thu cho người dân.

Ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, thực hiện dự án thí điểm sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao dài ngày theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đã chọn các xã Khánh Trung, Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh) và xã Xuân Thiện (huyện Kim Sơn), là các xã có điều kiện tự nhiên phù hợp với mục đích, yêu cầu của dự án, với tổng diện tích thí điểm gần 15 ha.

Dự án đã cải tạo 13,3 ha đất trồng lúa cho phù hợp việc kết hợp trồng lúa và nuôi trồng thủy sản; trong đó, cải tạo 0,48 ha ao gồm 4 ao nuôi cá chạch sụn, các diện tích còn lại thả nuôi cá trắm và chép giòn. Dự án đã chọn các giống lúa nếp cau, tám, dự để đưa vào sản xuất, trong quá trình sản xuất. Trung tâm yêu cầu các hộ tuân thủ nghiêm chỉnh quy trình sản xuất, tuyệt đối không sử dụng các chất ngoài hữu cơ để chăm sóc lúa dưới sự hướng dẫn của Tập đoàn Quế Lâm.

Nay đã thu hoạch lúa xong đạt sản lượng từ 38-46 tạ/ha, tùy theo từng loại giống với giá bán 20.000 đồng/kg, cao hơn bình quân giá lúa sản xuất truyền thống khoảng 8.000 đồng/kg. Mức đầu tư sản xuất bình quân khoảng 46 triệu đồng/ha, cho lãi trên 42 triệu đồng/ha.

Đối với việc nuôi thủy sản, dự án đã chọn xã Khánh Trung và Xuân Thiện nuôi 2 lứa cá chạch sụn/năm và 1 lứa cá trắm, chép giòn/năm, bình quân chi phí nuôi thủy sản khoảng 220 triệu đồng/ha, cho lãi khoảng 72 triệu đồng/ha. Xã Khánh Nhạc nuôi 1 lứa cá trắm, chép/năm với chi phí 103 triệu đồng/ha, cho lãi gần 32 triệu đồng/ha/hăm. Với việc thực hiện dự án thí điểm, ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng lúa truyền thống, dự án còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe người dân, đặc biệt là những người sản xuất trực tiếp.

Đánh giá về dự án, ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng, việc triển khai dự án là một trong những hoạt động của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, các nghị quyết, kế hoạch của HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững.

Dự án thực hiện thí điểm tại huyện Yên Khánh và Kim Sơn bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, người dân phấn khởi làm theo cách mới. Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu thêm về hiệu quả của dự án, khuyến khích, động viên, người dân mạnh dạn đầu tư vào mô hình sản xuất mới, hiệu quả.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy trình sản xuất để tiến tới nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trong tỉnh. Cùng đó, nghiêm cứu, đề xuất thực hiện các mô hình mới theo hướng hữu cơ đối với các sản phẩm khác như rau, củ, quả, chăm nuôi, thủy sản phù hợp với từng địa phương./.

>>>Thủ tướng chấp thuận cho Bắc Giang chuyển mục đích sử dụng 46 ha đất trồng lúa

>>>Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu lúa mì của Canada

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục