Trọng tâm của đối thoại kinh tế 2+2 đầu tiên giữa Nhật Bản và Mỹ

05:30' - 29/07/2022
BNEWS Cơ chế đối thoại kinh tế 2+2 ra đời vào đúng thời điểm Nhật Bản và Mỹ đang phải đối mặt với thực tế là an ninh kinh tế đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia.

Theo nhật báo Yomiuri và hãng tin Kyodo, ngày 29/7, Nhật Bản và Mỹ sẽ lần đầu tiên tổ chức đối thoại kinh tế 2+2 giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế của hai nước ở Washington.

Nội dung chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị này sẽ là làm thế nào để củng cố mạnh mẽ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực an ninh kinh tế, trong đó có bảo vệ công nghệ sản xuất vật liệu bán dẫn và các công nghệ tiên tiến khác.

Tổng thống Mỹ Joe BidenThủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhất trí thiết lập khuôn khổ đối thoại kinh tế 2+2 ở cấp Bộ trưởng tại cuộc họp trực tuyến hồi tháng 1/2022 nhằm mở rộng liên minh Nhật-Mỹ sang lĩnh vực kinh tế. Tên gọi chính thức của khuôn khổ này là Ủy ban Tham vấn Chính sách Kinh tế Nhật Bản-Mỹ.

Bà Pamela Phan, Phó Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ phụ trách châu Á, cho rằng cơ chế đối thoại kinh tế 2+2 ra đời vào đúng thời điểm hai nước đang phải đối mặt với thực tế là an ninh kinh tế đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia.

Luật thúc đẩy an ninh kinh tế mà Quốc hội Nhật Bản mới thông qua gần đây phản ánh nhận thức rằng Nhật Bản đang phải đối mặt với “khả năng dễ tổn thương về kinh tế”, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bà Pamela Phan nhấn mạnh Hội nghị sắp tới của Ủy ban Tham vấn Chính sách Kinh tế Nhật Bản-Mỹ có thể là cơ hội để “bắt đầu đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đối phó với các mối đe dọa với trật tự kinh tế toàn cầu, đồng thời tăng cường an ninh kinh tế và khả năng phục hồi nhanh chóng.

Tham dự hội nghị này về phía Nhật Bản là Bộ trưởng Ngoại giao Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Koichi Hagiuda, và về phía Mỹ là Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.

Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng hai nước dự kiến sẽ nhất trí về việc xây dựng một trật tự kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với mục tiêu đối trọng với Trung Quốc và Nga.

Theo dự thảo nội dung chương trình nghị sự mà tờ Yomiuri có được, các vấn đề chính được thảo luận gồm các biện pháp để củng cố các chuỗi cung ứng vật liệu bán dẫn.

Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng Năm, Bộ trưởng Hagiuda đã khẳng định với phía Mỹ rằng hai nước sẽ hợp tác nhằm tăng cường năng lực sản xuất vi mạch, cũng như trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Trên cơ sở đó, tại Hội nghị sắp tới, hai bên dự kiến sẽ củng cố nguồn cung các mặt hàng công nghệ tiên tiến, thế hệ mới.

Nguồn cung vật liệu bán dẫn đã trở nên khan hiếm sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát. Đây là nguyên nhân khiến giá cả vật liệu này tăng giá. Nhật Bản và Mỹ sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác để đối phó với tình trạng thiếu hụt này.

Một nội dung khác trong chương trình nghị sự của Hội nghị sắp tới là làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai nước trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ở nước thứ ba, nhằm đối trọng với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc. Hai bên dự kiến sẽ nhất trí thúc đẩy Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) – một sáng kiến do Mỹ dẫn dắt nhằm thiết lập khu vực kinh tế ở khu vực này.

Trong bối cảnh Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật thúc đẩy an ninh kinh tế hồi tháng Năm, hai nước sẽ thảo luận các biện pháp nhằm ngăn chặn sự rò rỉ các công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, hai bên sẽ tăng cường phối hợp trong các vấn đề như xây dựng quy tắc về sự ổn định của mạng 5G và các cơ sở hạ tầng chủ chốt khác. Hai bên cũng sẽ tăng cường hợp tác trong việc mua sắm pin và các khoáng sản quan trọng để chế tạo pin.

Ngoài ra, các vấn đề lương thực và giá năng lượng tăng chóng mặt cũng là nội dung trong chương trình nghị sự của Hội nghị sắp tới. Nhật Bản và Mỹ sẽ thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh lương thực và an ninh năng lượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục