Trung Quốc: Các cổ phiếu công nghệ lớn lao dốc

16:07' - 19/05/2022
BNEWS Cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) của Tencent đã giảm hơn 8% trong đầu phiên giao dịch trước khi thu hẹp mức giảm.
Cổ phiếu của các “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc lao dốc vào sáng 19/5 sau một báo cáo lợi nhuận mờ nhạt của Tencent, làm dấy lên lo ngại về một mùa thu nhập ảm đạm của ngành này khi triển vọng kinh tế Trung Quốc xấu đi.

Theo đó, cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) của Tencent đã giảm hơn 8% trong đầu phiên giao dịch trước khi thu hẹp mức giảm. Diễn biến này xảy ra một ngày sau khi Tencent công bố mức tăng doanh thu chậm nhất kể từ khi lên sàn vào năm 2004.

 
Doanh thu của Tencent đạt 135,5 tỷ NDT (20,1 tỷ USD) trong ba tháng kết thúc vào tháng 3/2022, với mức tăng trưởng hàng năm gần như bằng 0 và cũng ghi nhận mức tăng doanh thu hàng quý thấp kỷ lục.

Cổ phiếu của “đại gia” công nghệ Alibaba cũng giảm hơn 6%, trong khi cổ phiếu của Baidu và Xiaomi đều trong vùng đỏ. Xiaomi dự kiến sẽ báo cáo kết quả quý đầu tiên vào cuối ngày 19/5, trong khi Alibaba và Baidu sẽ công bố vào tuần tới.

Tình trạng bán tháo diễn ra dù cho Trung Quốc có thể giảm bớt việc siết chặt quy định đối với lĩnh vực công nghệ, vốn đã kéo dài trong 18 tháng qua.

Đài truyền hình nhà nước CCTV hôm 18/5 đưa tin Thủ tướng Lý Khắc Cường bày tỏ sự ủng hộ đối với các công ty kỹ thuật số và việc họ niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Nhưng trong một cuộc họp báo với các phóng viên sau khi công bố kết quả kinh doanh, Chủ tịch Martin Lau của Tencent cảnh báo rằng những sự ủng hộ mới nhất đối với lĩnh vực công nghệ của Chính phủ Trung Quốc sẽ cần thời gian để “đơm hoa kết trái”.

Ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu của S&P Global, cho biết quá trình xây dựng niềm tin sẽ mất nhiều thời gian sau hai năm nhiều bất ổn.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giữ nguyên tắc "thịnh vượng chung", cho thấy các công ty công nghệ sẽ tiếp tục bị giám sát ngay cả khi các động thái điều tiết của chính phủ bớt gay gắt hơn.

Bên cạnh đó, các công ty cũng phải đối mặt với những thách thức từ tình trạng yếu đi trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Doanh số bán lẻ tại nước này đã sụt giảm trong tháng Tư, còn chuỗi cung ứng gặp rất nhiều khó khăn khi các thành phố lớn - bao gồm trung tâm thương mại chủ chốt Thượng Hải áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát dịch COVID-19./.

>>>Lời khuyên cho nhà đầu tư chứng khoán

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục