Trung Quốc cảnh báo "đáp trả tương ứng" thuế nhập khẩu của Mỹ

16:59' - 03/04/2018
BNEWS Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tuyên bố Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả tương ứng về tỷ lệ và quy mô, nếu Washington áp thêm các mức thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc.
Trung Quốc cảnh báo "đáp trả tương ứng" thuế nhập khẩu của Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Truyền thông Trung Quốc ngày 3/4 đưa tin Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tuyên bố Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả tương ứng về tỷ lệ và quy mô, nếu Washington áp thêm các mức thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc.

Trong trả lời phỏng vấn đăng trên trang web của Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) và được phát trên kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc, ông Thôi Thiên Khải nêu rõ Trung Quốc chắc chắn sẽ áp dụng biện pháp đáp trả "tương đương về tỷ lệ, quy mô và cường độ".

Quan chức này cũng cho biết mức thuế đánh vào hàng hoá của Mỹ mà Trung Quốc công bố hôm 31/3 là nhằm đáp trả mức thuế cao của Mỹ nhằm vào các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.

Phát biểu của Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tuần này sẽ công bố danh sách các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc bị áp biểu thuế mới.

Cùng ngày 3/4, Nhật Bản cảnh báo nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, sau khi Trung Quốc áp mức thuế mới đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa việc Washington gần đây đưa ra các hạn chế đối với thép và nhôm nhập khẩu.

Phát biểu sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko nhấn mạnh việc phản ứng bằng các biện pháp trả đũa không có lợi cho bất cứ quốc gia nào.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng việc áp đặt các biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai thế giới sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu.

Ông nêu rõ "sự tăng trưởng của kinh tế quốc tế thời hậu chiến gắn với sự phát triển của thương mại tự do, và Nhật Bản đã hưởng lợi nhiều từ điều này".

Người đứng đầu ngành ngoại giao của Nhật Bản cũng cho biết, trong cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ chia sẻ quan điểm của nước này về tầm quan trọng của tự do thương mại.

Ngày 2/4, Trung Quốc quyết định ngừng ưu đãi thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ, thay vào đó áp các mức thuế 15% và 25% đối với những mặt hàng này, trong đó gồm thịt lợn và trái cây

Đây được xem là hành động đáp trả của Bắc Kinh trước việc Washington áp thuế nhập khẩu mới đối với các mặt hàng thép và nhôm, đồng thời áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc tổng trị giá 60 tỷ USD mà Washington cho là đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Mặc dù những biện pháp đáp trả mới nhất của Trung Quốc được nhìn nhận là khiêm tốn, nhưng giới quan sát nhận định động thái trên là bước khởi đầu cho một cuộc chiến thương mại với Mỹ mà những tổn thất hai bên sẽ phải gánh chịu không hề nhỏ.

Phản ứng sau các quyết định áp thuế lẫn nhau của Trung Quốc và Mỹ, các thị trường chứng khoán châu Á chốt phiên giao dịch ngày 3/4 ngập tràn sắc đỏ do lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại.

Tác động lớn nhất là thị trường Trung Quốc, với chỉ số chủ chốt Shanghai Composite giảm 1,17% xuống còn 3.126,11 điểm.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 mất 0,45% xuống 21.292,29 điểm.

Các thị trường Seoul và Hong Kong (Trung Quốc) cũng chứng kiến một ngày giao dịch ảm đạm, trong khi thị trường New Zealand là thị trường duy nhất tăng điểm.

Nhà phân tích thị trường Makoto Sengoku thuộc Viện Nghiên cứu Tokai Tokyo nhận định tác động từ thị trường Mỹ không đến nỗi tiêu cực nhờ những hy vọng mong manh rằng các căng thẳng có thể sẽ giảm bớt trong vài tuần tới.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán phố Wall cũng đi xuống trong ngày giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Phục Sinh.

Chỉ số công nghệ Nasdad giảm mạnh nhất với 2,7%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên giảm 1,9%, trong khi chỉ số S&P 500 cũng để mất 2,2%.

Cổ phiếu của các tập đoàn Amazon, Facebook và Tesla Motors giảm điểm mạnh nhất, gây tâm lý lo ngại cho giới đầu tư nước ngoài.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục