Trung Quốc đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung gia cầm

06:42' - 07/09/2016
BNEWS Sau gần hai năm ban hành lệnh cấm nhập khẩu gà giống của Mỹ, giới chức Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung thịt gà lần đầu tiên trong hơn một thập niên.
Trung Quốc đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung gia cầm. Ảnh: reuters

Trung Quốc vốn phụ thuộc vào nguồn gà giống nhập khẩu từ nước ngoài để sản xuất gà giò lông trắng (giống gà thường được sử dụng trong các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh), chiếm đến hơn 50% tổng nguồn cung của cả nước.

Tuy nhiên, kể từ sau khi dịch cúm gia cầm bùng phát hồi tháng 12/2014, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu gia cầm từ Mỹ và Pháp.

Hậu quả là số lượng gà để gây giống trên thị trường đã giảm mạnh.

Theo thông tin từ công ty chăn nuôi, chế biến và buôn bán gà Fujian Sunner Development Co., hoạt động nhập khẩu gà giống của Trung Quốc trong năm 2015 đã giảm khoảng 50% so với mức được ghi nhận trong năm 2013.

Tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn trong năm nay khi gà giống nhập khẩu thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để phục vụ nhu cầu gà giò của năm sau.

Mỹ là quốc gia cung cấp khoảng 50% gà giống của thế giới, theo sau là Vương Quốc Anh. Tuy nhiên, chỉ có hai nước sản xuất nhỏ hơn nhiều là Tây Ban Nha và New Zealand được phép xuất khẩu gà giống sang Trung Quốc.

Mặc dù Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) tuyên bố Mỹ đã thoát khỏi dịch bệnh này từ hồi tháng Tư song Bắc Kinh vẫn chưa có ý định dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu.

Tại Trung Quốc, giá gia cầm đã tăng sau khi giá thịt lợn, loại thịt phổ biến nhất của nước này, leo thang.

Do đó, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khoảng 1 triệu tấn thịt gà (tương đương 8% sức tiêu thụ) trong năm 2017 theo ước tính của ngân hàng Rabobank, có thể sẽ đẩy giá tăng thêm 20% từ mức 19,8 NDT (2,96 USD)/kg hiện nay.

Tuy nhiên, mức tăng sẽ không quá cao do thị trường vẫn còn những phương án thay thế khác như chuyển sang thịt vịt hay tăng cường nhập khẩu.

Theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc dự kiến nhập khẩu 480.000 tấn thịt gia cầm trong năm 2017, tăng 33% so với mức của năm nay, từ các thị trường như Brazil, Argentina và Chile.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục