Trung Quốc: Lĩnh vực chế tạo giảm tháng thứ 5 liên tiếp

17:12' - 30/09/2024
BNEWS Số liệu chính thức mới công bố ngày 30/9 cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng 9/2024 vẫn giảm tháng thứ năm liên tiếp.

Số liệu chính thức mới công bố ngày 30/9 cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng 9/2024 vẫn giảm tháng thứ năm liên tiếp.

Kết hợp với lĩnh vực dịch vụ suy yếu vào cùng tháng báo cáo, giới quan sát cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ cần nhiều biện pháp kích thích hơn nữa để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024 khi chỉ còn ba tháng nữa là kết thúc năm.

 
Theo đó, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố đã tăng nhẹ từ mức 49,1 hồi tháng Tám lên 49,8 vào tháng Chín, cao hơn dự báo của thị trường là 49,5. Tuy có sự cải thiện và là mức cao nhất trong năm tháng, con số này vẫn thấp hơn ngưỡng 50 vốn phân tách giữa tăng trưởng với suy giảm.

Kết hợp với cuộc khảo sát khu vực tư nhân có phần bi quan của Caixin và PMI dịch vụ yếu, các số liệu cho thấy hoạt động sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc vẫn là điểm yếu đối với các nhà hoạch định chính sách. Họ đã thừa nhận nền kinh tế đang phải đối mặt với "những vấn đề mới" và kêu gọi các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn.

Tuần trước, các nhà chức trách Trung Quốc đã tung ra gói kích thích mạnh mẽ nhất kể từ đại dịch COVID-19, giúp thị trường chứng khoán nước này có tuần giao dịch tốt nhất trong gần 16 năm.

Các nhà kinh tế cho biết trong khi PMI cho thấy một số điểm sáng cho ngành chế tạo, câu hỏi lớn hơn hiện nay là liệu các thông báo chính sách lớn của tuần trước, bao gồm nới lỏng các hạn chế về bất động sản tại một số thành phố lớn nhất Trung Quốc, có đủ để thúc đẩy sự phục hồi cho nền kinh tế này hay không.

Giới phân tích kỳ vọng rằng gói kích thích và gói trái phiếu mới trị giá 2.000 tỷ NDT (285,20 tỷ USD) sẽ đủ để thúc đẩy kinh tế Trung Quốc theo hướng đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2024. Nhưng nước này vẫn cần giải quyết các vấn đề về nhu cầu yếu và môi trường thương mại toàn cầu ngày càng không thuận lợi.

Một dấu hiệu cho thấy hoạt động tiêu dùng Trung Quốc vẫn yếu kém dai dẳng là PMI dịch vụ giảm xuống còn 49,9 vào tháng Chín và là mức suy giảm đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái.

Chuyên gia thống kê Zhao Qinghe tại NBS cho biết sự suy giảm trên chủ yếu do kết thúc kỳ nghỉ Hè và thời tiết khắc nghiệt, như một số khu vực đã phải hứng chịu bão lũ trong giai đoạn gần đây.

Sau những số liệu trên, giới đầu tư đang chuyển chú ý sang các diễn biến của thị trường chứng khoán Trung Quốc cùng một số báo cáo khác, đặc biệt là doanh số bán và tiêu dùng bất động sản trong Tuần lễ Vàng (từ ngày 1-7/10).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục