Trung Quốc - thị trường tiềm năng của các nhà sản xuất rượu vang Italy

17:09' - 29/11/2020
BNEWS Trong 5 hoặc 10 năm nữa, Trung Quốc có thể trở thành một trong những thị trường hàng đầu của rượu vang Brunello. 

 

Các nhà sản xuất rượu vang Italy cần luôn thay đổi để thích ứng với sự phát triển nhanh và năng động của thị trường Trung Quốc. Đó là nhận định của ông Fabrizio Bindocci, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất rượu vang Brunello di Montalcino của Italy. 

Rượu vang Brunello di Montalcino là một trong những loại rượu vang nổi tiếng và có lịch sử lâu đời nhất của Italy. Đây cũng là một trong những loại rượu vang của Italy đầu tiên được tiếp thị tại thị trường Trung Quốc từ đầu những năm 2000.

Trả lời phỏng vấn của Tân Hoa xã, ông Bindocci cho biết các nhà sản xuất rượu vang nước này đã thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại và giao lưu với các đối tác Trung Quốc, nhưng điều đó là chưa đủ.

Thị trường Trung Quốc không phải là một thị trường rượu vang trưởng thành như thị trường Italy hay các khu vực khác của châu Âu hoặc Mỹ hay Canada. Điều đó có nghĩa là thị trường luôn có sự thay đổi.

Ông Bindocci giải thích, trước đây khách hàng mua rượu ngoại truyền thống là những người tiêu dùng Trung Quốc giàu có, hay đi du lịch và đã thưởng thức các loại rượu này ở nước ngoài. Giờ đây, ngày càng nhiều khách hàng trẻ tuổi quan tâm và tò mò về các loại rượu nhập khẩu. Theo ông Bindocci, điều đó đồng nghĩa với việc cần thay đổi chiến lược tiếp thị.

Theo Silvana Ballotta, Giám đốc điều hành của Business Strategies - công ty tư vấn về rượu vang và thị trường Trung Quốc, rượu vang Brunello và các loại rượu vang hàng đầu khác của vùng Tuscany (Italy) như vang Chianti Classico, Super Tuscan, và Vino Nobile di Montepulciano có lợi thế tự nhiên so với những loại rượu từ các vùng sản xuất rượu khác của nước này.

Bà Ballotta lý giải rằng vùng Tuscany của Italy nổi tiếng với nhiều người tiêu dùng Trung Quốc về sản xuất rượu vang. Theo một nghiên cứu, Tuscany là vùng trồng nho nổi tiếng thứ 12 đối với khách hàng mua rượu vang ở Trung Quốc, sau các khu vực khác ở Pháp, Australia, Chile và Tây Ban Nha. Tuscany đứng đầu đại diện cho Italy trong danh sách này.

Ngoài ra, ông Bindocci cho biết thị trường Trung Quốc hiện tiêu thụ khoảng 5% lượng rượu vang Brunello xuất khẩu, tỷ lệ này cao gấp khoảng ba lần so với 5 năm trước.

Ông Bindocci dự đoán trong 5 hoặc 10 năm nữa, Trung Quốc có thể trở thành một trong những thị trường hàng đầu của rượu vang Brunello. Các doanh nghiệp cần đảm bảo sự thích ứng hiệu quả khi thị trường tiếp tục tăng trưởng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục