Trung Quốc: Thiệt hại kinh tế do thiên tai ngày càng trầm trọng

20:20' - 22/10/2024
BNEWS Thiệt hại kinh tế của Trung Quốc do thiên tai, từ siêu bão đến lũ lụt, trong quý III/2024 đã tăng gấp đôi so với hai quý đầu năm.

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu chín tháng được Bộ Quản lý Khẩn cấp công bố hôm 22/10, thiệt hại kinh tế trực tiếp do thiên tại trong giai đoạn từ tháng Bảy đến tháng Chín năm nay đã lên tới 230 tỷ NDT (32,3 tỷ USD). Con số này cao gấp hơn hai lần so với mức tương ứng 93,16 tỷ NDT được ghi nhận trong nửa đầu năm nay.

 

Những con số này cho thấy Trung Quốc ngày càng đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, qua đó làm gia tăng tổn thất cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Vào tháng 9/2024, Trung tâm Tài chính Thượng Hải đã bị đình trệ bởi bão Bebinca, cơn bão nhiệt đới mạnh nhất tấn công trực tiếp thành phố này trong 70 năm qua. Trước đó, siêu bão Yagi - cơn bão mạnh nhất trong lịch sử - đã quét qua đảo Hải Nam, làm gần 1 triệu hộ gia đình chịu cảnh mất điện.

Lượng mưa kỷ lục và các cơn bão mạnh trong mùa Hè đã làm gián đoạn nguồn cung thực phẩm, đẩy giá tiêu dùng tăng cao và làm giảm sản lượng nông nghiệp. Thiệt hại kinh tế trực tiếp do thiên tai tại Trung Quốc trong ba quý kể từ đầu năm lên tới 323,2 tỷ NDT, cao hơn so với 308,3 tỷ NDT của cùng kỳ năm trước.

Mặc dù Trung Quốc đã khởi động chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu trên toàn quốc hơn hai năm trước, nhưng những thiệt hại kinh tế cho thấy nước này vẫn chưa đủ khả năng chống chịu trước tác động ngày càng lớn của thiên tai.

Trong chín tháng kể từ đầu năm nay, hơn 84 triệu người bị ảnh hưởng, 836 người chết hoặc mất tích, gần 3,35 triệu người cần tái định cư khẩn cấp do thiên tai. Bộ Quản lý Khẩn cấp cũng thống kê 50.000 ngôi nhà bị sập và 630.000 ngôi nhà bị hư hại. Khoảng 9,05 triệu ha cây trồng cũng bị ảnh hưởng.

Tính đến thời điểm này, đã có 23 đợt ứng phó cứu trợ thiên tai được triển khai tại Trung Quốc kể từ đầu năm, nhiều nhất trong gần một thập kỷ qua.

Mặc dù Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện việc giám sát và dự báo thời tiết cực đoan, cũng như tăng cường khả năng chống chịu trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và môi trường đô thị, nhưng nguy cơ tổn thương kinh tế do biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục