Trung Quốc thúc đẩy lĩnh vực tái chế như động lực tăng trưởng kinh tế mới

15:55' - 24/07/2024
BNEWS Ngành tái chế tài nguyên ở Khu công nghệ cao Giới Thủ đạt giá trị sản lượng công nghiệp là 33 tỷ NDT (khoảng 4,5 tỷ USD), chiếm 74% tổng sản lượng của thành phố.

Nằm ở tỉnh An Huy phía Đông Trung Quốc, Giới Thủ (Jieshou) là một thành phố nhỏ với dân số chỉ 639.000 người. Tuy nhiên, thành phố này hàng năm tái chế hơn 4 triệu tấn pin thải, nhôm phế liệu và nhựa, sản xuất 990.000 tấn chì tái chế. Hơn 100 triệu pin điện được sản xuất tại đây mỗi năm, chiếm 1/5 tổng sản lượng toàn quốc.

 

Năm 2023, ngành tái chế tài nguyên ở Khu công nghệ cao Giới Thủ đạt giá trị sản lượng công nghiệp là 33 tỷ NDT (khoảng 4,5 tỷ USD), chiếm 74% tổng sản lượng của thành phố. Khu vực này hiện có 81 doanh nghiệp tái chế tài nguyên, mỗi doanh nghiệp có doanh thu hàng năm ít nhất 20 triệu NDT.

Thành phố này là hình ảnh thu nhỏ về cách Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy các cơ hội tăng trưởng mới thông qua phát triển xanh và ít phát thải khí carbon. Hiện tại, giá trị sản lượng của ngành tái chế tài nguyên Trung Quốc đã vượt quá 3.500 tỷ NDT (481 tỷ USD). Đến năm 2025, con số trên dự kiến sẽ đạt 5.000 tỷ NDT.

Báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc năm nay đã đề xuất hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp tái chế chất thải và vật liệu đã qua sử dụng, đồng thời khuyến khích nghiên cứu-phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu khí thải carbon.

Ngành công nghiệp phương tiện sử dụng năng lượng mới (NEV) của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Các nhà quan sát trong ngành dự đoán nhu cầu thay thế pin xe điện sắp đạt đến đỉnh điểm.

Gotion High-tech là một trong những nhà sản xuất đầu tiên tại Trung Quốc phát triển pin điện cho NEV. Một công ty con của công ty ở Hợp Phì đã phát triển một hệ thống tái chế toàn bộ vòng đời cho pin điện. Hệ thống này bao gồm mọi thứ, từ tái chế pin và tối đa hóa sử dụng đến tái sản xuất vật liệu và pin, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Theo ông Zhao Chenxin, Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, nước này dự kiến thành lập 2.000 trạm tái chế và 200 trung tâm phân loại xanh tại các khu đô thị lớn trong năm nay, nhằm tăng cường mạng lưới tái chế các nguồn tài nguyên tái tạo.

Các dự án tái chế cần đảm bảo không có chất thải, với toàn bộ nước được tái sử dụng, tinh quặng đồng được thu hồi để nấu chảy và chất thải được bán cho các nhà máy xi măng dưới dạng phụ gia, nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục