Trung Quốc trong sự thay đổi về cấu trúc kinh tế Mỹ Latinh (Phần 2)

05:30' - 12/05/2019
BNEWS Cũng giống như hoạt động trao đổi thương mại, các luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc đổ vào Mỹ Latinh đã tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt từ sau năm 2010.
Trung Quốc trong sự thay đổi về cấu trúc kinh tế Mỹ Latinh. Ảnh: THX/TTXVN

Nếu quan sát các xu hướng biến thiên kinh tế về dài hạn, có thể thấy tỷ lệ của tổng thâm hụt thương mại với Trung Quốc trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực là tương đối ổn định, từ mức 0,2% năm 1996 tới mức 0,7% vào năm 2016.

Một trong những ngành chịu nhiều tác động tiêu cực nhất từ sự cạnh tranh của Trung Quốc là ngành dệt may. Một bên là các nước Trung Mỹ và Mexico từng được hưởng lợi trong vài năm nhờ Thỏa thuận Đa sợi để cung cấp cho thị trường Mỹ, giờ đây chịu sự cạnh tranh của Trung Quốc tại thị trường này. 

Mặt khác, các thỏa thuận tự do giữa Chile (2006) và Peru (2010) với Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất dệt may của các nước này. Nguy cơ đó lan sang các lĩnh vực khác khi nói về các nền kinh tế đa dạng hơn, như Argentina hay Brazil. Từ góc độ này, tương lai của Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) là một trong những đề tài tranh cãi lớn giữa các khối tư bản mong muốn một sự hội nhập quốc tế đa dạng hơn.

Cũng giống như hoạt động trao đổi thương mại, các luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc đổ vào Mỹ Latinh đã tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt từ sau năm 2010, khi Bắc Kinh xác định chiến lược “Trung Quốc hướng toàn cầu”, mà sau đó được củng cố với dự án Vành đai và Con đường. Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Nhật Bản. 

Nếu các tập đoàn đa quốc gia của các nước phát triển chia sẻ nhiều điểm tương đồng thì các tập đoàn đa quốc gia của Trung Quốc có những điểm rất riêng. Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát trực tiếp đối với luồng FDI do các tập đoàn quốc doanh thực hiện. Có 89% số doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài thuộc sở hữu tư nhân, song có tới 63% cổ phần của những doanh nghiệp này nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước. 

Luồng FDI hàng năm của Trung Quốc đã tăng tới 45% kể từ năm 2012, nhưng đầu tư vào khu vực Mỹ Latinh vẫn khá trì trệ. FDI của quốc gia đông dân nhất thế giới vào Mỹ Latinh là rất khiêm tốn trong thập niên 1990 và thập niên đầu của thế kỷ này. Năm 2010, các doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành một loạt  thương vụ mua lại và sáp nhập các công ty dầu khí của Argentina và Brazil. Nhưng ngoài những hoạt động này, việc phân bổ FDI của Trung Quốc tại Mỹ Latinh khá ổn định trong những năm qua và tập trung hầu hết vào Brazil, Peru, “bỏ quên” phần lớn các nước đang nhận nguồn FDI lớn từ nơi khác như Colombia, Chile hay Mexico.

Gần 90% vốn FDI mà Trung Quốc đổ vào Mỹ Latinh giai đoạn 2010 - 2015 được dành cho công nghiệp khai khoáng. Các công ty dầu khí Trung Quốc giờ đây có mặt ở phần lớn các nước xuất khẩu dầu thô và khí đốt trong khu vực. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Venezuela và Ecuador, nhưng tại 2 nước này, hoạt động khai thác và sản xuất dầu khí nằm trong tay các công ty quốc doanh. 

Do những tính toán về kinh doanh, các công ty dầu khí Trung Quốc bán phần lớn lượng dầu Mỹ Latinh do họ kiểm soát cho Mỹ và các khách hàng trong khu vực này, sau đó mua nhiên liệu từ các thị trường gần gũi hơn về địa lý. 

Nhưng từ góc độ này, điều đáng chú ý là quyền kiểm soát ít ỏi của các doanh nghiệp Trung Quốc đối với nguồn dầu của Colombia và sự vắng mặt hoàn toàn của họ trong hoạt động khai thác và kinh doanh dầu khí tại Mexico, hai trong số 4 nước sản xuất dầu khí lớn nhất khu vực. Điều này cho thấy hai quốc gia trên đang chịu ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ đậm nét nhất tại khu vực. 

Ngành nông nghiệp và thủy sản cũng nhận được một số đầu tư từ Trung Quốc, nhưng các thông tin công khai không rõ ràng. Một số dự án nông nghiệp lớn đã bị hủy sau khi các chính phủ Mỹ Latinh và các tổ chức xã hội dân sự có các ý kiến trái chiều. Khía cạnh gây tranh cãi nhất liên quan các khoản đầu tư vào nông nghiệp là việc thu mua đất. 

Có thể nói, sự trỗi dậy ở cấp độ toàn cầu của Trung Quốc đã tạo ra những triển vọng đáng kể, trước hết là ở ý nghĩa giảm bớt những hạn chế bên ngoài đối với các nền kinh tế Mỹ Latinh. Tuy nhiên, vai trò của Mỹ Latinh đối với Trung Quốc thuộc loại tương đối "thứ yếu" xét theo khía cạnh hội nhập thương mại và điểm nhận đầu tư. 

Từ quan điểm của Trung Quốc, mối quan hệ tương tác với khu vực này thuần túy mang tính nguồn cung nguyên liệu thô. Chính vì vậy, việc tăng cường quan hệ kinh tế với Bắc Kinh sẽ không giúp cải thiện các mô hình hội nhập quốc tế vốn có của Mỹ Latinh và khó có thể tạo ra sự thay đổi về cấu trúc kinh tế của khu vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục