Trung Quốc và “con đường tơ lụa trên băng” (Phần 2)

06:30' - 06/02/2018
BNEWS Tham vọng chinh phục Bắc Cực của Bắc Kinh đã có từ lâu, nhưng phải đợi từ năm 2013 đến nay Trung Quốc mới được mời làm quan sát viên Hội đồng Bắc Cực.

No Title

Trong những năm gần đây, Trung Quốc có khá nhiều hành động tại Bắc Cực. Ảnh: Reuters

Một số lo ngại cho rằng Trung Quốc sẽ tranh cướp tài nguyên hoặc phá hoại môi trường khu vực Bắc Cực là điều không cần thiết. 

Các nhà phân tích chiến lược quốc tế cho rằng Trung Quốc công bố “Sách Trắng Bắc Cực” có thể lý giải theo 2 cách. Một là đưa ra chủ trương của Trung Quốc đối với khu vực Bắc Cực để gạt bỏ mối lo ngại của các nước liên quan đối với Trung Quốc. Hai là Trung Quốc muốn lợi dụng các tuyến đường biển Bắc Cực để mở rộng sáng kiến “Vành đai và Con đường”, đưa chiến lược này vươn tới khu vực Bắc Cực.

Trên thực tế, nhưng năm gần đây, Trung Quốc có khá nhiều hành động tại Bắc Cực, bao gồm mua đất xây dựng khu nghỉ dưỡng giải trí, xây dựng Đài thiên văn Bắc Cực, thậm chí tham gia kế hoạch dầu khí của nhiều nước, khiến các nước khu vực Bắc Cực, trong đó bao gồm cả Mỹ và Nga, nghi ngờ, đồng thời lo ngại mục đích chiến lược lâu dài đằng sau các hành động này của Trung Quốc, trong đó không loại trừ một kế hoạch đóng quân của Trung Quốc tại Bắc Cực.

Trong bài phân tích đăng trên trang mạng của tờ báo Nhật Bản The Diplomat, ấn bản ngày 26/1, Charlotte Gao tìm cách trả lời những câu hỏi về "Sách Trắng Bắc Cực". Trung Quốc là một quốc gia “Cận Cực”, là một trong những quốc gia “gần Bắc Cực nhất”.

Tác giả bài viết trên The Diplomat bình luận: “Mặc dù, Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh rằng sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế và tham gia vào các hoạt động phát triển Bắc Cực một cách chừng mực, Sách Trắng của Trung Quốc lại chỉ ra rõ mục tiêu tận dụng các nguồn tài nguyên của Bắc Cực để phục vụ lợi ích kinh tế của bản thân quốc gia này”. 

Charlotte Gao nêu rõ bốn mục đích mà Bắc Kinh đang theo đuổi. Thứ nhất là Trung Quốc tham gia vào các dự án phát triển các tuyến đường hàng hải ở cực bắc địa cầu và các tuyến đường đó gồm ba ngả “Đông Bắc”, “Tây Bắc” và “Trung Tâm”.

Mục tiêu thứ hai Trung Quốc nhắm tới là các nguồn tài nguyên của một vùng đất còn vắng bóng người này: “tham gia vào các công trình thăm dò và khai thác dầu, khí, quặng mỏ và nhiều tài nguyên thiên nhiên”.

Hướng thứ ba được Trung Quốc quan tâm là các nguồn hải sản phong phú của Bắc Băng Dương được Bắc Kinh coi là “đầy tiềm năng trong tương lai”. Sau cùng Bắc Cực còn là một mảnh đất màu mỡ để mở rộng các hoạt động du lịch và sách trắng của Trung Quốc nói rõ là đã khuyến khích các công ty du lịch đào tạo nhân sự và chuẩn bị cho các chuyến du hành lên xứ sở băng giá này.

The Diplomat nhắc lại, tham vọng chinh phục Bắc Cực của Bắc Kinh đã có từ lâu, nhưng phải đợi từ 2013 đến nay Trung Quốc mới được mời làm quan sát viên Hội đồng Bắc Cực.

Đây là một diễn đàn giữa 8 thành viên gồm Canada, Đan Mạch, Mỹ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga, được mở rộng cho hơn một chục quan sát viên, trong đó có Ấn Độ, Pháp hay Trung Quốc, Liên minh châu Âu... Từ sau Thế chiến thứ hai, chưa khi nào khu vực này lại được các cường quốc trên thế giới quan tâm như hiện tại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục