Trương Mỹ Lan khai chủ trương phát hành trái phiếu là của SCB

20:51' - 23/09/2024
BNEWS Trương Mỹ Lan đã bật khóc khi nhắc đến các bị hại trong vụ án là những trái chủ đã mua trái phiếu “khống” và chịu thiệt hại.

Ngày 23/9, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần xét hỏi các bị cáo.

 

Theo cáo trạng, bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là người chi phối, điều hành, chỉ đạo, quyết định mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các pháp nhân thuộc Tập đoàn; là người đưa ra chủ trương và chỉ đạo phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trương Mỹ Lan đã chủ trì họp bàn với các bị cáo là nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt - TVSI nhằm chọn các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu rồi chào bán bất hợp pháp, huy động tiền từ người dân để trả nợ ngân hàng, đầu tư dự án và các mục đích cá nhân khác.

Đồng thời, Trương Mỹ Lan cũng bị cáo buộc đã cùng các đồng phạm chạy dòng tiền “khống” để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho số trái phiếu phát hành, sau đó thông qua công ty chứng khoán bán trái phiếu cho hàng ngàn người dân (nhà đầu tư) thu tiền về sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, không đúng với mục đích phát hành trái phiếu. Tính đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền hơn 30.081 tỉ đồng của 35.824 bị hại.

Tại phiên tòa, Trương Mỹ Lan trình bày không có ý kiến gì về nội dung của cáo trạng vì bản thân bị cáo “tôn trọng cáo trạng”. Tuy nhiên, Trương Mỹ Lan khẳng định “không biết gì liên quan đến trái phiếu", “không liên quan đến việc phát hành trái phiếu” và bản thân “rất sợ làm chứng khoán”.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có tài chính vững chắc, không có nhu cầu lấy tiền của dân, hay niêm yết giá chứng khoán… Lan kính xin Hội đồng Xét xử xem xét thấu đáo nguyên nhân, bối cảnh, động cơ phát hành trái phiếu vì lý do gì.

Bị cáo Trương Mỹ Lan khai từng quản lý, điều hành hai công ty là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (thành lập năm 1992, phát triển về bất động sản), nơi bị cáo sở hữu 60% cổ phần và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan cũng điều hành Công ty Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (do Ngô Thanh Nhã - em dâu bị cáo Trương Mỹ Lan đứng tên đại diện pháp luật) chuyên đầu tư các dự án, hoạt động tài chính.

Trương Mỹ Lan cho biết hai công ty trên cho đến nay không kinh doanh mảng tài chính ngân hàng và không có nhu cầu phát hành trái phiếu. Bị cáo cũng chưa bao giờ cử ai từ hai công ty này làm việc tại Ngân hàng SCB.

Về cáo buộc chỉ đạo chủ trương phát hành trái phiếu cho cấp dưới, Trương Mỹ Lan khai năm 2018, Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, đã chết) thường than thở với bị cáo về vấn đề SCB “lâm vào bế tắc” do thường xuyên bị thanh, kiểm tra. Từ đây, Nguyễn Phương Hồng ngỏ ý muốn mượn các công ty tốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu.

Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, khi đó bị cáo nghĩ nếu không cho SCB mượn công ty thì “ngân hàng có thể bị sụp đổ” nên bị cáo mới cho mượn công ty, còn bị cáo “không liên quan đến trái phiếu” mà toàn bộ chủ ý là của Nguyễn Phương Hồng.

Về cáo buộc Trương Mỹ Lan tranh thủ thời gian khi dùng bữa trưa với các đồng phạm, bao gồm bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) để ra chủ trương phát hành trái phiếu, huy động nguồn tiền cho hoạt động của Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan cho biết, thời gian trong năm bị cáo chủ yếu ở nước ngoài, ít ở Việt Nam nên khi rảnh thường mời Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Phương Hồng, Hồ Bửu Phương (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt - TVSI, cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) ăn trưa.

Theo Trương Mỹ Lan, nội dung trao đổi giữa các bị cáo trong bữa trưa chỉ xoay quanh vấn đề niêm yết Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chứ không phải phát hành trái phiếu. Nguyễn Phương Hồng sau đó có đề cập câu chuyện mượn công ty để phát hành trái phiếu nhưng đó là chủ trương là của SCB. Lúc này Trương Mỹ Lan có hỏi cho mượn công ty có sao không, thì “anh em nói rằng không sao đâu nên bị cáo mới cho mượn công ty để phát hành trái phiếu”. Bị cáo Lan khẳng định lại chủ trương phát hành là của Ngân hàng SCB.

Trả lời Hội đồng xét xử về việc sử dụng dòng tiền trong gói trái phiếu của Công ty An Đông, Trương Mỹ Lan cho rằng bản thân không biết gì về việc sử dụng dòng tiền trái phiếu này, bởi Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khi đó có đủ khả năng để phát hành trái phiếu, nhưng bị cáo không làm. Ngoài ra, bị cáo Lan còn cho rằng, khi ấy người nhà của bị cáo cũng là bị hại trong trái phiếu An Đông. Theo bị cáo Lan, những tài sản thu từ phát hành trái phiếu của Công ty An Đông đều do Ngân hàng SCB nắm giữ.

Trong quá trình xét hỏi, Trương Mỹ Lan đã bật khóc khi nhắc đến các bị hại trong vụ án là những trái chủ đã mua trái phiếu “khống” và chịu thiệt hại. Trương Mỹ Lan khẳng định mặc dù bản thân không hề biết gì về việc sử dụng dòng tiền thu từ phát hành trái phiếu, không có chủ trương chiếm đoạt tài sản của người bị hại nhưng bị cáo hứa sẽ cố gắng dùng những tài sản hiện có của mình để khắc phục cho các trái chủ, không để họ thiệt thòi, bởi rất nhiều trái chủ vì tin tưởng vào uy tín của bị cáo và của Ngân hàng SCB mà đã dùng toàn bộ tài sản tích góp cả đời để mua trái phiếu.

Về lời khai của 28 bị cáo từng là các lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty con của Tập đoàn bị truy tố với vai trò đồng phạm, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết bản thân không có bình luận, ý kiến nhưng xin Hội đồng xét xử xem xét các bị cáo này đều làm công ăn lương, không hưởng lợi gì, chỉ làm đúng nhiệm vụ của mình; nhiều bị cáo có hoàn cảnh khó khăn… Bị cáo Lan xin Hội đồng xét xử cho các bị cáo này hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Vũ Anh Thi, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận (Công ty Quang Thuận) cho biết, ngoài Công ty Quang Thuận, bị cáo cũng là người đại diện pháp luật của nhiều công ty khác thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Tuy nhiên, bị cáo Thi khai bản thân chỉ là người được thuê để đứng tên đại diện doanh nghiệp, hưởng lương với mức thù lao khoảng 7 triệu đồng/tháng; không tham gia vào hoạt động điều hành của công ty. Tất cả những hồ sơ và giấy tờ liên quan đến việc phát hành trái phiếu đều được chuẩn bị sẵn, bị cáo Thi chỉ việc ký theo chỉ đạo mà không nhận thức được hậu quả của sau đó sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người.

Bị cáo Trần Văn Tuấn (cựu Tổng Giám đốc Công ty Setra) và Trần Thị Lan Chi (cựu Kế toán trưởng Công ty Setra) đều cho biết không đồng ý với một phần nội dung trong cáo trạng. Theo đó, hai bị cáo này bị cáo buộc đã làm thủ tục thoái toàn bộ vốn của Công ty Setra tại Công ty Khang Thành Phú thông qua các hợp đồng chuyển nhượng vốn “khống” tại thời điểm tháng 6/2020 dù báo cáo tài chính của Công ty Setra năm 2019 thể hiện công ty đang bị lỗ, không đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Sau đó, Tuấn và Chi ghi lùi ngày thành 20/12/2019 cho 3 người là Trần Duy Hữu, Trần Thị Xuân, Đỗ Thị Thúy Hồng (được thuê ký hợp đồng và chứng từ khống) để Báo cáo tài chính năm 2019 của Setra chuyển từ lỗ sang lãi.

Tiếp đó, nhóm cung cấp hợp đồng và báo cáo tài chính cho Công ty Setra năm 2019 đã điều chỉnh cho các kiểm toán viên Công ty Kiểm toán A&C để phát hành báo cáo kiểm toán độc lập với ý kiến chấp nhận toàn phần, từ đó giúp cho Công ty Setra đủ điều kiện về năng lực tài chính để phát hành trái phiếu năm 2020.

Tại tòa, Trần Văn Tuấn và Trần Thị Lan Chi phủ nhận việc lập hồ sơ thoái vốn Công ty Setra tại Công ty Khang Thành Phú và cho biết hồ sơ thoái vốn này được Văn phòng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập rồi chuyển qua để ký chứ các bị cáo không trực tiếp làm hồ sơ, chỉ cung cấp hồ sơ pháp lý. Tuấn và Chi cũng không biết kế hoạch cụ thể phát hành trái phiếu như thế nào, nhà đầu tư nào sẽ mua trái phiếu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục