Truy xuất nguồn gốc thủy sản - Cơ hội vàng để tránh “thẻ đỏ”
Ngày 4/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).
Công điện nêu rõ rằng đợt thanh tra thực tế lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra EC (từ ngày 10 đến ngày 18/10/2023) cho thấy, ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế chậm được khắc phục, trong đó việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác có nhiều thiếu sót.
Gỡ "thẻ vàng" vì lợi ích quốc gia, vì ngư dân
Trong Công điện mới đây Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Nếu không sớm giải quyết dứt điểm các hạn chế thì nguy cơ hải sản của Việt Nam bị EC nâng cảnh báo từ "thẻ vàng" lên "thẻ đỏ" là rất cao.
Ngược thời gian về 6 năm trước, ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam về sự thiếu hiệu quả trong kiểm soát hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Điều đáng lưu ý nhất là các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác của EC chưa được đáp ứng đầy đủ.
Theo đánh giá chung của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và của Ngân hàng Thế giới (WB), việc nhận "thẻ vàng IUU" của EC khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay.
Trong năm 2019 kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 12% so với năm 2017 (tương đương 183,5 triệu USD), trong năm 2020 kim ngạch giảm 5,7% so với năm 2019. Đến năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang EU ở mức 1,3 tỷ USD, như vậy EU chỉ còn đứng thứ 4 trong số 5 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Kể từ năm 2017 các bộ, ngành có liên quan và 28 địa phương cấp tỉnh ven biển đã triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC nhằm gỡ "thẻ vàng". Sau 6 năm triển khai, công tác chống khai thác IUU đã đạt được một số kết quả và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa đủ để EC gỡ cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Quy định chung về IUU của EC chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 nhằm ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu vào thị trường châu Âu các sản phẩm hải sản bị khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Trong trường hợp sản phẩm bị nghi ngờ là khai thác IUU, các quốc gia thành viên EU có thể từ chối nhập khẩu. Có hai mức độ cảnh báo - "thẻ vàng" và "thẻ đỏ":
"Thẻ vàng" được áp đặt nếu một nước xuất khẩu thủy sản sang EU mà không áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo việc khai thác là hợp pháp, có khai báo và theo quy định. Sau một thời gian, nếu quốc gia đó đáp ứng các điều kiện của EC thì "thẻ vàng" được đổi màu thành "thẻ xanh" – việc xuất khẩu thủy sản sang EU rất thuận lợi.
Ngược lại, nếu thẻ vàng bị chuyển sang thẻ đỏ, tức là thị trường châu Âu không tiếp nhận thủy sản từ quốc gia vi phạm. Đối với Việt Nam, đó là sự thiệt hại hàng tỷ USD và người chịu hậu quả nặng nề nhất chính là ngư dân và những người nuôi, trồng thủy sản.
"Thẻ vàng" khiến cho việc xuất khẩu thủy sản sang EU giảm mạnh, đồng thời toàn bộ số hàng còn được nhập vào thị trường châu Âu bị kiểm tra nguồn gốc khai thác một cách nghiêm ngặt với thời gian 3 – 4 tuần/container và chi phí 500 bảng Anh/ container, cộng thêm phí lưu giữ ở cảng và các chi phí khác.
Các thị trường khác, trong đó có Mỹ, cũng áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn dành cho sản phẩm thủy, hải sản xuất khẩu của quốc gia bị EU phạt "thẻ vàng".
Việc minh bạch hóa thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản không những nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu mà còn là điều cần thiết đối với người tiêu dùng trong nước. Vì mục tiêu đảm bảo sức khỏe, họ cần được biết sản phẩm mà mình đang sử dụng xuất phát từ đâu, được cung ứng, sản xuất, chế biến, tiêu thụ ra sao.
Việc truy xuất dễ dàng nguồn gốc thủy sản giúp doanh nghiệp quản lý có hiệu quả về các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Điều này cũng giúp truy tìm nguyên nhân mất an toàn ở công đoạn nào nhằm xác định giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả và tiết kiệm; giảm thiệt hại tối đa cho doanh nghiệp; tạo sự tin tưởng tuyệt đối với khách hàng, nâng cao uy tín của cơ sở kinh doanh và nhà sản xuất thủy sản.
Quan trọng hơn, việc minh bạch nguồn gốc thủy sản cũng góp phần làm đẹp hình ảnh, tăng uy tín của cả đất nước. Ngược lại, danh sách các quốc gia bị cảnh báo "thẻ vàng", "thẻ đỏ" được công bố rộng rãi trên các tạp chí và các trang web chính thức của EU.
Chuyển đổi số trong thủy sản – xu thế tất yếu
Trong Công điện ngày 4/11, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết tâm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" không phải chỉ để đối phó với EC mà là vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc, đảm bảo lợi ích của người dân; phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam đối với các cam kết, điều ước quốc tế trong việc bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Nhiệm vụ cụ thể là gỡ được "thẻ vàng" của EC tại đợt thanh tra lần thứ 5 (dự kiến vào cuối quý II năm 2024).
Về việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, Công điện yêu cầu: 100% tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên phải được bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá (kể cả cảng cá tư nhân, bến cá…) phải được giám sát và truy xuất nguồn gốc (đảm bảo về nhật ký khai thác, dữ liệu VMS, sản lượng và thành phần loài phù hợp với nghề khai thác, đặc biệt lưu ý đối với các trường hợp chuyển tải trên biển, sản lượng đối với loài cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm… cần phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ).
Phải thực hiện đúng quy định công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác trong nước, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp hợp thức hóa hồ sơ (nếu đủ căn cứ xử lý hình sự); đặc biệt tập trung vào các loài cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm.
Phải tổng rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu nhằm đảm bảo hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu đủ căn cứ xử lý hình sự).
Phải hoàn thiện, đưa vào sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi, kiểm soát tính minh bạch, hợp pháp theo quy định công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác trong nước.
Truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử là xu thế tất yếu hiện nay trên toàn cầu
Tại Việt Nam phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử đã được Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản) làm chủ đầu tư từ năm 2017. Phần mềm được giao cho các đơn vị tư vấn nghiên cứu xây dựng với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các chuyên gia về công nghệ thông tin, đơn vị quản lý nhà nước và các địa phương, doanh nghiệp, ngư dân.
Theo Trung tâm Thông tin thủy sản (Cục Thủy sản), đây là phần mềm lần đầu tiên được xây dựng trên cơ sở cách tiếp cận mới về quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác thủy sản để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và yêu cầu minh bạch nguồn gốc thủy sản.
Qua những lần thí điểm triển khai thực tế tại một số địa phương, các chuyên gia đã rút ra những bài học quý giá nhằm hoàn thiện quy trình, kỹ thuật để áp dụng rộng rãi trên cả nước. Điều này không chỉ góp phần quan trọng vào nỗ lực tháo gỡ "thẻ vàng" của EC mà quan trọng hơn là giúp quản lý khai thác thủy sản một cách bền vững và hiệu quả.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết: Việc thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử đối với nghề cá trong nước gồm các bên liên quan là ngư dân, cảng cá, doanh nghiệp chế biển thủy sản xuất khẩu, cơ quan thẩm quyền tại địa phương và trung ương với 6 bước, gồm: quản lý tàu xuất cảng và ghi nhận dữ liệu ban đầu về tàu và thuyền viên; ghi chép sản lượng khai thác tại thời điểm đánh bắt thông qua thiết bị nhật ký điện tử; quản lý tàu vào cảng, cập nhật sản lượng khai thác; giám sát sản lượng lên cảng, cấp biên nhận bốc dỡ, mua cá tại cảng; cấp giấy xác nhận và giấy chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
Khi tàu về đến cảng cá, hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản tích hợp vào hệ thống quản lý của cảng, từ đó, ngành chức năng xác định được sản lượng lên bến với sản lượng đánh bắt, tiến tới chứng nhận của các Chi cục Thủy sản. Quá trình sản phẩm thủy sản đánh bắt từ khi cập cảng đến khi về đến nhà máy chế biến được giảm rất nhiều phần việc, kéo theo giảm rất nhiều nhân lực mà vẫn đảm bảo tính chính xác trong việc truy xuất nguồn gốc.
Áp dụng nhật ký khai thác thủy sản điện tử cũng là cách điện tử hóa toàn bộ giấy tờ truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt, đảm bảo đầy đủ thông tin chính xác, minh bạch để lộ trình xuất khẩu được hanh thông. Điều này cũng giảm thiểu đến mức thấp nhất thời gian chờ giải quyết thủ tục hành chính, kiểm tra thông tin phản hồi từ nhà nhập khẩu, đặc biệt là nâng cao vị thế của thủy sản Việt Nam trên thế giới.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, trong thời gian qua, địa phương đã áp dụng thử nghiệm phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt để xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản. Việc này giúp cho các chủ tàu ghi chép đầy đủ, chính xác sản lượng đánh bắt, đặc biệt là ghi đúng tọa độ đánh bắt.
Ban Quản lý cảng cá Hoài Nhơn (Bình Định) đánh giá rằng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử sẽ tạo điều kiện cho tàu cá xuất cảng nhập cảng nhanh chóng, doanh nghiệp nhận được sự xác nhận sản lượng và chứng nhận sản lượng một cách dễ dàng. Kết quả đó cũng được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản sử dụng để minh bạch hóa nguồn gốc nguyên liệu phục vụ sản xuất. Điều này đáp ứng được yêu cầu từ thị trường, từ đó giúp các doanh nghiệp giữ vững thị trường, nâng cao giá trị xuất khẩu, tạo điều kiện công ăn việc làm, sinh kế của ngư dân và cho người lao động.
Ông Trần Đình Luân nhấn mạnh: Kết quả của việc áp dụng nhật ký khai thác điện tử từ Bình Định sẽ được nhân rộng ra các địa phương để thủy sản đánh bắt có nguồn gốc minh bạch, đáp ứng thị trường xuất khẩu. Cục Thủy sản đang bàn với các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình về việc chia sẻ vị trí, tọa độ từ thiết bị này sang phần mềm hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để đảm bảo tính chính xác của các mẻ lưới và những khu vực đánh bắt.
- Từ khóa :
- thẻ vàng
- thẻ vàng của EC
- gỡ thẻ vàng
- Cục Thủy sản
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Giải quyết các thiếu sót để đón Đoàn thanh tra EC
13:09' - 02/10/2023
Tiền Giang sẽ điều tra, xử lý triệt để việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài (nếu có) trước khi đoàn Thanh tra EC sang Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Vì mục tiêu gỡ "thẻ vàng" IUU: Không để khai thác bất hợp pháp
05:45' - 18/09/2023
Sau hơn 5 năm từ khi EC cảnh báo "thẻ vàng" đối với nghề cá Việt Nam, cả Chính phủ, ngư dân và doanh nghiệp đều chung tay, nỗ lực thực hiện tốt các quy định, tiêu chí về khai thác, đánh bắt hợp pháp.
-
Kinh tế Việt Nam
Kết luận của Phó Thủ tướng về gỡ thẻ vàng IUU
10:45' - 10/09/2023
Sau gần 6 năm chống khai thác thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), kết quả thực hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực được Ủy ban châu Âu (EC) ghi nhận.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thu hồi số tiền hơn 26.215 tỉ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế
13:06'
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/11, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam và Đan Mạch chia sẻ tầm nhìn về năng lượng sạch và bền vững
09:57'
Ngày 25/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch như A.P Moller-Maersk, doanh nghiệp vận tải biển, logistics, Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch.
-
Kinh tế Việt Nam
Metro Bến Thành - Tham Lương được đề xuất chuyển sang thực hiện bằng vốn ngân sách
09:55'
Dự án metro Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng, với phần lớn là vốn vay ODA (khoảng 37.487 tỷ đồng). Chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh.
-
Kinh tế Việt Nam
Đầu tư toàn diện, tạo luồng sinh khí mới cho các vùng quê
08:20'
Dự kiến đến hết năm 2024, Vĩnh Phúc sẽ hoàn thành 100% mục tiêu kế hoạch về xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
-
Kinh tế Việt Nam
Đưa kỹ thuật mới vào khai thác tiềm năng hải sản nước mặn
08:08'
Để hỗ trợ bà con nuôi thủy sản thành công, địa phương đặc biệt chú trọng tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật, kết hợp với xây dựng những mô hình nuôi phù hợp, hiệu quả
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
20:42' - 25/11/2024
Chiều tối 25/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
20:41' - 25/11/2024
Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
-
Kinh tế Việt Nam
Phân công thành viên Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai
20:27' - 25/11/2024
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 128/QĐ-TCT ngày 25/11/2024 về phân công thành viên Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Tập đoàn Ericsson
19:46' - 25/11/2024
Chiều 25/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Borje Ekholm, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.