Truyền tải điện tăng lực lượng ứng phó với tình huống khẩn cấp bão số 3

10:46' - 21/07/2025
BNEWS Sáng 21/7, lãnh đạo EVNNPT dẫn đầu 2 đoàn công tác đến vùng trọng điểm để chỉ đạo, ứng trực ứng phó bão số 3 (Wipha) có thể ảnh hưởng hệ thống truyền tải điện.

Để chủ động ứng phó tình huống khẩn cấp của bão số 3 (WIPHA), sáng ngày 21/7/2025, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã có 2 đoàn công tác đến vùng tâm bão để trực chỉ huy.

Đoàn công tác số 1 do ông Phạm Lê Phú – Tổng giám đốc EVNNPT làm trưởng đoàn, cùng lãnh đạo các ban chuyên môn và ông Nguyễn Phúc An – Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1, hiện đang ứng trực tại Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng

Đoàn công tác số 2 do ông Lưu Việt Tiến – Phó Tổng giám đốc EVNNPT làm trưởng đoàn, cùng lãnh đạo các ban chuyên môn và ông Hoàng Xuân Khôi – Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1, đang ứng trực tại Ninh Bình và Hưng Yên

Việc phân công các đoàn công tác đến các điểm trọng yếu nhằm kịp thời chỉ đạo, xử lý tại chỗ nếu mưa bão gây ảnh hưởng đến lưới điện truyền tải. Theo báo cáo từ các đơn vị, đến chiều tối 20/7, công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 đã được hoàn tất. 100% quân số đội đường dây và trạm biến áp đều đã ứng trực tại chỗ, sẵn sàng nhận lệnh xử lý tình huống khẩn cấp.

Tại buổi kiểm tra sáng 21/7, lãnh đạo EVNNPT đánh giá bão số 3 là cơn bão mạnh với hướng đi phức tạp, yêu cầu toàn bộ các đơn vị tuyệt đối không được chủ quan. Tổng công ty đã yêu cầu sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện và chỉ xử lý sự cố khi đảm bảo an toàn điện. Đồng thời lưu ý sau khi bão đi qua, hoàn lưu bão có thể tiếp tục gây mưa lớn kéo dài, do đó cần đặc biệt chú trọng an toàn cho người và thiết bị trong quá trình vận hành.

Cũng trong sáng 21/7, EVNNPT ban hành Công điện số 3929/CĐ-EVNNPT yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó bão số 3 và hoàn lưu bão. Các nội dung chỉ đạo gồm: khẩn trương thực hiện các chỉ đạo tại Công điện số 4702/CĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (ngày 20/7/2025) và Công điện số 5380/CĐ-BCT của Bộ Công Thương (ngày 19/7/2025); thường xuyên theo dõi bản tin thời tiết, chủ động ứng phó, cập nhật đầy đủ chỉ đạo qua phần mềm SMIS; tổ chức trực ban 24/24h, tạm dừng hoạt động chưa cấp thiết, tập trung kiểm tra và triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai; đảm bảo hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành vận hành ổn định, liên tục

Đối với Công ty Truyền tải điện 1 và 2 cần xây dựng phương án phòng chống bão, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và tài sản, tái lập ca trực tại các trạm trong vùng ảnh hưởng; chuẩn bị sẵn sàng máy phát diesel, nhiên liệu dự phòng, hệ thống điện tự dùng AC, DC, nhất là hệ thống ắc quy; kiểm tra hành lang an toàn lưới điện, khơi thông rãnh thoát nước, gia cố các điểm xung yếu; cảnh báo nguy cơ sạt lở, ngập úng tại tuyến đường dây vùng núi, sông suối; xử lý nhanh sự cố mất điện theo phương châm “4 tại chỗ”; quá trình thực hiện phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, tuân thủ phiếu thao tác, phiếu công tác, lệnh công tác; không đóng điện lại khi chưa kiểm tra đủ điều kiện an toàn

Các đơn vị trực tiếp quản lý dự án gồm: Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB), miền Trung (CPMB) và miền Nam (NPTPMB), đều thuộc EVNNPT kiểm tra công trường, yêu cầu nhà thầu đảm bảo hệ thống tiêu thoát nước, che chắn thiết bị, khắc phục điểm chưa bảo đảm kỹ thuật; phối hợp với chính quyền, đơn vị địa phương để bảo vệ hành lang lưới điện, tuyên truyền an toàn điện trong mùa mưa bão, cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí.

Các đơn vị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 1619/CT-EVNNPT ngày 8/4/2025 và Công điện số 3920/CĐ-EVNNPT ngày 19/7/2025. Các đơn vị bị ảnh hưởng do thiên tai phải cập nhật số liệu lên phần mềm SMIS vào các khung giờ 07h00, 13h00 và 19h00 hằng ngày. Trường hợp có thiệt hại lớn cần khẩn trương báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn EVNNPT.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục