Truyền thông Đức nhận định về vụ kiện lịch sử của bà Trần Tố Nga

20:58' - 11/05/2021
BNEWS Truyền thông Đức đã đăng nhiều tin bài về cuộc chiến vì công lý của bà Trần Tố Nga, nhấn mạnh nguyên đơn cùng những người ủng hộ sẽ không nản lỏng mà chùn bước trước phán quyết này.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngay sau phán quyết của Tòa đại hình thành phố Evry, ngoại ô Paris (Pháp), truyền thông Đức đã đăng nhiều tin bài về cuộc chiến vì công lý của bà Trần Tố Nga, nhấn mạnh nguyên đơn cùng những người ủng hộ sẽ không nản lỏng mà chùn bước trước phán quyết này.

Với tiêu đề thể hiện sự bất bình "Chiến tranh hóa học đã thắng. Tòa án ở Paris: Không bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam", báo Thế giới trẻ (Junge Welt) số ra ngày 11/5 cho biết một tòa án ở Paris đã ra phán quyết rằng tòa không đủ thẩm quyền để xử vụ kiện của nguyên đơn gốc Việt - bà Trần Tố Nga - chống lại một nhóm 14 tập đoàn, trong đó có Dow Chemical và Monsanto (hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Bayer - Đức).

Bà Tố Nga đã khởi kiện những công ty hóa chất này vì những tổn hại do chất phát quang và chất độc da cam/dioxin mà họ sản xuất cho lính Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Tuy nhiên, tòa lại bác bỏ vụ kiện khi cho rằng tòa không đủ thẩm quyền để phán quyết một vụ kiện liên quan đến các hành động chiến tranh của Chính phủ Mỹ.

Bài báo cho biết trong chiến tranh chống Mỹ, bà Tố Nga (khi đó là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng) đã bị phơi nhiễm trực tiếp chất độc da cam/dioxin và hậu quả là bà đã mắc một số căn bệnh liên quan chất độc này.

Con gái cả của bà đã chết non vì bệnh tim và hai người con gái khác cùng một người cháu cũng mắc các bệnh liên quan chất độc da cam/dioxin.

Theo bài báo, nguyên đơn và những người ủng hộ không nản lòng trước phán quyết được tòa án ở Evry đưa ra.

Trong bài phát biểu trực tuyến tại một buổi tọa đàm được tổ chức cuối tuần trước, bà Tố Nga khẳng định bất kể phán quyết của tòa như thế nào, cuộc đấu tranh vì công lý kéo dài suốt hơn 10 năm qua sẽ vẫn tiếp tục.

Bà cũng nhấn mạnh bản thân đã sẵn sàng trường kỳ theo đuổi vụ kiện. Tham dự buổi tọa đàm này còn có cả bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, cần phải tiếp tục kiên trì, bởi mục đích vụ kiện không chỉ là đòi bồi thường mà còn buộc Mỹ phải thừa nhận sự thật và trách nhiệm của họ.

Bài báo cho biết quân đội Mỹ đã sử dụng vũ khí hóa học như một phần trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam và đã rải trên 80 triệu lít chất phát quang ở miền Nam Việt Nam với mục đích phá hủy các cánh rừng là nơi ẩn náu của những người chiến đấu cho nền độc lập của đất nước họ.

Tác giả nêu rõ mục đích của lực lượng xâm lược Mỹ là phát quang để truy lùng và giết hại những người Việt Cộng và binh lính miền Bắc.

Ngoài mục đích làm rụng lá cây rừng, chất diệt cỏ còn phá hủy mùa màng của người dân, được cho là để tiếp viện cho mặt trận giải phóng.

Theo luật pháp quốc tế, việc này được coi là chiến tranh hóa học và còn gây hậu quả khủng khiếp cho tới tận ngày nay khi tới 4 triệu người Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả.

Trong khi từ chối bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam, Mỹ lại hỗ trợ mạnh về y tế và bồi thường cho các cựu binh nước này bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin khi tham chiến ở Việt Nam.

Báo Làn sóng Đức (DW) ngày 10/5 cũng có bài viết sâu về quá trình vụ kiện cũng như việc tòa án ở Evry đã ra phán quyết theo hướng bảo vệ các tập đoàn hóa chất.

Theo tác giả, bà Trần Tố Nga là nạn nhân của chiến dịch rải chất độc da cam/dioxin của Mỹ năm 1966.

Cũng giống như bà, những người con của bà (trong đó người con gái cả của bà đã sớm qua đời) đều mắc các bệnh điển hình khi nhiễm chất độc da cam/dioxin, như bệnh tim, tiểu đường và hen suyễn.

Một phòng thí nghiệm của Đức đã xác nhận rằng nguyên nhân của điều này có thể là do nồng độ dioxin trong máu tăng lên.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất hóa chất luôn từ chối trách nhiệm với những lý lẽ giống nhau.

Thứ nhất là khó chứng minh rõ ràng từng trường hợp rằng chất độc da cam/dioxin là nguyên nhân trực tiếp gây dị tật, sứt môi, hàm ếch, rối loạn thần kinh, tiểu đường, Parkinson hoặc ung thư.

Nhưng rõ ràng là số ca bệnh phổ biến hơn ở các vùng bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam so với những vùng khác.

Thứ hai, các công ty sản xuất hóa chất và Chính phủ Mỹ ngay từ đầu biết rõ chất độc da cam/dioxin rất có hại cho sức khỏe và vượt quá nồng nộ cho phép ở Mỹ. Các nhà sản xuất cũng tận dụng phương pháp sản xuất liều lĩnh nhưng nhanh hơn và dẫn tới nồng độ dioxin cao hơn.

Chỉ có vậy, họ mới đáp ứng được nhu cầu lớn của quân đội Mỹ và qua đó tối ưu hóa được lợi nhuận.

Thứ ba, các công ty hóa chất quy hoàn toàn trách nhiệm cho Chính phủ Mỹ về việc làm gì với hóa chất và sử dụng chúng ở đâu, như thế nào.

Thế nhưng, Chính phủ Mỹ không nghi ngờ về mục đích sử dụng quy mô lớn ở miền Nam Việt Nam, phá hủy mùa màng và vô hiệu hóa các khu nông nghiệp rộng lớn.

Điều này đã dẫn tới hàng trăm nghìn dân thường bị ảnh hưởng mà các nhà sản xuất cũng biết rất rõ.

Thứ 4, Công ước Geneva năm 1925 tuy cấm sử dụng vũ khí hóa học, song không đề cập rõ ràng việc sử dụng chất diệt cỏ.

Tuy nhiên, do việc sử dụng chất phát quang ở Việt Nam, Đại hội đồng LHQ đã khẳng định ngay từ năm 1969 rằng Công ước Geneva cũng có thể bao gồm việc sử dụng chất phát quang.

Tác giả cho rằng một trong những lý do khiến vụ kiện năm 2005 bị bác ở Mỹ vì chất độc da cam không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước Geneva là mâu thuẫn với quan điểm của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tiếp tục với vụ kiện ở Evry, tác giả nhận định tòa án đã đi theo hướng bảo vệ của các tập đoàn chất khi kết luận tòa không có thẩm quyền đối với các hành động của một quốc gia có chủ quyền (Mỹ) trong chiến tranh.

Trong khi đó, sự đau khổ của các nạn nhân vẫn tiếp diễn do chất độc da cam/dioxin vẫn tích tụ trong đất hàng chục năm, nằm trong cơ thể người và biến đổi gene của họ.

Nhiều tờ báo lớn khác của Đức như báo Tấm gương (Spiegel), báo Tiêu điểm (Focus),... ngày 10/5 cũng có bài viết về cuộc chiến vì công lý của bà Tố Nga, trong đó nhấn mạnh rằng nếu bà không đưa vụ việc ra tòa, bi kịch phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin sẽ bị chôn vùi theo cát bụi của quá khứ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục