TTIP : Đàm phán giữa EU và Mỹ vẫn còn nhiều trở ngại

15:18' - 16/07/2016
BNEWS Ngày 15/7, vòng đàm phán thứ 14 về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa EU và Mỹ đã kết thúc với một số tiến triển, song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề phải giải quyết.
Trưởng đoàn đàm phán EU, Ignacio Garcia Bercero (trái) và trưởng đoàn đàm phán Mỹ Dan Mullaney (phải) thông báo kết quả cuộc đàm phán. Ảnh: EPA

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, thông báo kết quả cuộc đàm phán tại trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels, trưởng đoàn đàm phán EU, Ignacio Garcia Bercero cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra số lượng kỷ lục 10 đề xuất mới bằng văn bản với nội dung chính là phác thảo của các thỏa thuận tương lai về TTIP.

Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong hầu hết các lĩnh vực.

Ông Garcia Bercero cho biết TTIP bao gồm 30 chương trong đó phần lớn vẫn đang trong giai đoạn hợp nhất và hai bên sẽ củng cố văn bản này sau vòng đàm phán.

Về phần mình, trưởng đoàn đàm phán Mỹ Dan Mullaney cho biết Mỹ tiếp tục nhận được nhiều đề xuất mới của EU nhưng không có quyết định nào được đưa ra.

Ông Mullaney cũng khẳng định quyết định của Anh rời khỏi EU đặt ra nhiều vấn đề mới cho việc đàm phán bởi Anh chiếm 25% lượng xuất khẩu của Mỹ vào EU.

Theo ông, sau Brexit, quan hệ kinh tế và chiến lược gữa EU với Anh vẫn mạnh nhưng việc Anh rút khỏi thị trường EU sẽ ảnh hưởng tới giá trị của thị trường EU bởi Anh cũng là thị trường dịch vụ lớn của Mỹ.

Trưởng đoàn đàm phán hai bên thông báo mục tiêu hoàn tất đàm phán thỏa thuận vào cuối năm nay, tức là cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đồng thời khẳng định Brexit không làm chậm tiến trình đàm phán.

TTIP bao gồm 3 vấn đề lớn : tiếp cận thị trường đối với doanh nghiệp châu Âu và Mỹ, hợp tác về vấn đề luật pháp và những quy định của thế giới về thương mại, đặc biệt về phát triển bền vững và chính sách cạnh tranh.

Các cuộc đàm phán về TTIP được khởi động từ tháng 7/2013, nhưng sau đó bị trì hoãn do phía châu Âu phản đối các điều khoản liên quan việc bảo vệ các nhà đầu tư mà phía Mỹ đưa ra, trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước-nhà đầu tư.

Một số dư luận tại châu Âu lo ngại cơ chế này sẽ thách thức các luật, đặc biệt về thực phẩm và môi trường của châu lục này.

Hồi tháng 7 năm ngoái, EU đã chấp thuận việc thành lập một tòa án châu Âu mới để xem xét mọi tranh cãi nảy sinh liên quan tất cả các hiệp định thương mại, và mở đường nối lại đàm phán về TTIP giữa EU và Mỹ sau một thời gian dài trì hoãn.

TTIP được kỳ vọng sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng và chiếm hơn một nửa kim ngạch kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục