Tư cách thành viên WTO đang ngăn chặn sự phát triển của Nga?

06:30' - 17/08/2017
BNEWS Trang mạng của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế mới đây đăng bài viết cho biết Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) đang nghiên cứu một dự thảo luật mới về khả năng rời khỏi WTO.
Tư cách thành viên WTO đang ngăn chặn sự phát triển của Nga? Ảnh: Reuters

Theo ý kiến của đại diện đảng Cộng sản Liên bang Nga, Nga nên khẩn trương loan báo việc rời khỏi tổ chức WTO với lý do là việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang ngăn chặn sự phát triển của LB Nga.

Theo tác giả bài viết, tư cách thành viên của WTO - một diễn đàn toàn cầu và một tổ chức quốc tế thống nhất, có hoạt động quản lý thương mại đa phương - là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích quốc gia của từng nước.

Mọi thành viên của WTO có thể tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại đa phương, cũng như thúc đẩy quan điểm và tầm nhìn của mình.

Trong WTO, tiếng nói có trọng lượng nhất chính là của các quốc gia, các thị trường mà có nhiều thành viên khác phụ thuộc vào mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với quốc gia đó nhất. Tuy nhiên, các quốc gia có vị thế chính trị và nền kinh tế nhỏ hơn vẫn có thể kết nối với các nhóm nước khác để thúc đẩy quan điểm chung của mình.

Ngoài việc giám sát thực hiện các quy tắc và quy định hiện hành thì WTO còn không ngừng phát triển các điều kiện mới của thương mại quốc tế, khiến hệ thống thương mại toàn cầu thích ứng với xu hướng thị trường toàn cầu.

Thực tế là một quốc gia lớn như Nga mà không tham gia vào quá trình này thì sẽ gây ra vấn đề không chỉ đối với các nhà sản xuất Nga, mà còn đối với chính hệ thống thương mại đa phương.

Bên cạnh đó, đối với quốc gia có nền kinh tế lớn và có tham vọng chính trị như Nga, tư cách thành viên của WTO là cần thiết để tăng cường tầm ảnh hưởng chính trị trên trường quóc tế, tương tự như tư cách thành viên của Liên hợp quốc.

Trong thời gian kéo dài 18 năm đàm phán để được gia nhập WTO, Nga đã đạt được những thành tích đáng kể. Căn cứ vào quy mô nền kinh tế và tiềm năng của Nga, có thể khẳng định rằng những nỗ lực và những năm tháng đàm phán đã mang đến kết quả tích cực.

Vì vậy, đối với các chuyên gia nghiên cứu các vấn đề về chính sách thương mại và hoạt động của WTO, tầm quan trọng của tư cách thành viên là đã quá rõ ràng.

Vấn đề không nằm ở chỗ tư cách thành viên hay không mà ở chỗ kể từ năm 2012, doanh nghiệp Nga vì những vòng xoáy chính trị mà không thể sử dụng một cách hiệu quả những lợi thế có được.

Theo ý kiến của tác giả dự luật thuộc Đảng Cộng sản LB Nga, “trong vòng 5 năm là thành viên của WTO, ngân sách quốc gia đã bị thiệt hại 871 tỷ ruble.

Và lợi ích thì vẫn chưa thấy đâu. Dự báo thời gian tới cũng đáng thất vọng. Trong vòng 8 năm thành viên WTO, tức là đến năm 2020, thiệt hại đối với nền kinh tế Nga có thể lên tới 12.000 đến 14.000 tỷ ruble, đồng thời mất hơn 1,9 triệu việc làm.

Những con số này thật đáng ngạc nhiên, tuy thế ngoại trừ những bình luận tương tự trên báo chí thì không có một đảng phái nào trong Duma Quốc gia Nga trong vòng 5 năm qua tiến hành một nghiên cứu để đánh giá tư cách thành viên của WTO.

Và những thiệt hại cơ bản nhất vẫn là mất việc làm trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế do nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang rút khỏi Nga. 

Cụ thể là việc một trong những nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới là tập đoàn General Motors rút khỏi thị trường Nga, và sau đó đóng cửa nhà máy ở Saint-Peterburg vào năm 2015 và giảm hoạt động sản xuất ở Kalinningrad khiến hàng nghìn người mất việc làm.

Giám đốc phân tích chiến lược của công ty FBK Igor Nikolaev cho biết “tỷ lệ thất nghiệp tăng cao là hệ quả trực tiếp của việc đóng cửa các cơ sở sản xuất, và chắc chắn gây thiệt hại cho nền kinh tế. Ít nhất thì đó sẽ là gánh nặng đối với ngân sách trong điều kiện thiếu tiền”.

Điều này có liên quan đến tư cách thành viên của WTO? Rõ ràng là không. Mà ngược lại, nếu rút khỏi WTO, Nga sẽ không có khả năng sử dụng tư cách thành viên của tổ chức này để thu hút đầu tư, khiến môi trường đầu tư sa sút và việc áp dụng các biện pháp kinh tế sẽ làm giảm đáng kể mức thu nhập của người dân, giảm sức bán hàng.

Theo tác giả bài viết, việc Nga gia nhập WTO gần như xảy ra đồng thời với việc nước này bị áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và tiến hành các biện pháp trả đũa, khiến nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mặt khác, giảm thu ngân sách còn do giá các mặt hàng chủ lực như năng lượng đi xuống, hay đồng ruble yếu đi trong khi thu nhập thực tế của người dân giảm. Đó chính là những vấn đề cơ bản của sự phát triển kinh tế hiện đại ở Nga ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngân sách và tình trạng của nền kinh tế. 

Việc tham gia WTO vừa mang đến những lợi ích, nhưng cũng vừa áp đặt một vài khuôn khổ và giới hạn đối với Nga.

Tất nhiên, sự tuân thủ các quy tắc, vốn trước đó được thiết lập mà không có sự tham gia của các chuyên gia Nga, có thể làm phức tạp hoá công việc của nhiều nhà sản xuất, bởi trước đó họ khá tự do thao túng hoặc không bị gánh nặng bởi các đối thủ cạnh tranh.

Rất khó để phân định người thắng, kẻ thua. Nhưng trong ngắn hạn, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc gia cần phải chấp nhận những quy định mới bất thường của trò chơi và các yếu tố bên ngoài hình thành nên môi trường cạnh tranh.

Ví dụ, một trong những lập luận được những người phản đối tư cách thành viên WTO đưa ra là về việc giảm thuế nhập khẩu ô tô.

Tuy nhiên, ngay cả với mức thuế cao và chính phủ có những biện pháp hỗ trợ nhu cầu đối với các sản phẩm nội địa thì các sản phẩm nước ngoài vẫn chiếm thị phần lớn.

Những người ủng hộ các biện pháp bảo hộ ngành công nghiệp ô tô có thể hỗ trợ các nhà sản xuất Nga bằng cách tích cực sử dụng các sản phẩm nội địa, nhưng điều này đã không xảy ra ở thị trường Nga.

Tác giả bài viết nhấn mạnh, tư cách thành viên WTO không thể được đánh giá trên cơ sở phân tích xu hướng ngắn hạn. Đây là quá trình khó khăn và lâu dài đòi hỏi các cơ quan nhà nước, khối doanh nghiệp, các chính trị gia và các chuyên gia phải nghiên cứu.

Các tính toán và dự báo cho thấy rằng nền kinh tế Nga sẽ có được những lợi ích đáng kể nếu tiến hành thu hút đầu tư, gỡ bỏ các biện pháp phân biệt và các biện pháp giới hạn trên cơ sở đàm phán có sự tham gia của các nhà sản xuất Nga, tăng khả năng sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục