Tự động hóa - lời giải của Trung Quốc cho những áp lực trên thị trường lao động

06:30' - 21/09/2022
BNEWS Quá trình tự động hóa công nghiệp tại Trung Quốc đang tăng cao. Trong năm 2021, số lượng robot được Trung Quốc lắp đặt trong các nhà máy nhiều gần bằng phần còn lại của thế giới.

Điều này giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thúc đẩy quá trình tự động hóa và củng cố vị thế thống trị trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu, ngay cả khi dân số trong độ tuổi lao động của nước này đang giảm dần.

Thích ứng khi nguồn cung lao động giá rẻ giảm và mặt bằng tiền lương tăng lên

Theo dữ liệu mới được The Wall Street Journal lấy từ Liên đoàn Robot học Quốc tế (International Federation of Robotics - IFR), số lô hàng robot công nghiệp cập bến Trung Quốc trong năm 2021 đã tăng 45% so với năm trước đó, lên hơn 243.000 đơn vị.

Năm ngoái, Trung Quốc chiếm gần 50% tổng số lượng robot công nghiệp hạng nặng được lắp đặt, qua đó củng cố vị thế thị trường số 1 đối với các nhà sản xuất robot trên toàn thế giới. Dữ liệu của IFR cho thấy số lượng robot mới được lắp đặt tại Trung Quốc cao gần gấp đôi so với các nhà máy ở châu Mỹ và châu Âu.

Lý giải về quá trình tự động hóa nhanh chóng của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng nước này đang cố gắng bắt kịp các quốc gia giàu có hơn. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đứng sau Mỹ và các cường quốc sản xuất như Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc về dây chuyền sản xuất robot.

Ngoài ra, quá trình tự động hóa nhanh chóng cũng phản ánh sự thừa nhận ngày càng rộng rãi rằng các nhà máy Trung Quốc cần phải thích ứng khi nguồn cung lao động giá rẻ giảm và mặt bằng tiền lương tăng lên.

Liên hợp quốc (LHQ) dự đoán Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm tới. Các dự báo của Liên Hợp Quốc cho thấy số người ở độ tuổi từ 20 đến 64 tuổi tại Trung Quốc - độ tuổi cung cấp nguồn nhân lực lao động lớn nhất - có thể đã đạt đỉnh và dự kiến sẽ giảm mạnh sau năm 2030, do dân số Trung Quốc đang già đi và tỷ lệ sinh thấp.

Bằng cách “tuyển dụng” nhiều robot hơn, các nhà máy của Trung Quốc có thể thu hẹp khoảng cách đang ngày càng được nới rộng trên thị trường lao động và giảm chi phí. Như vậy, các tập đoàn đa quốc gia tại phương Tây sẽ không có động lực dịch chuyển sản xuất sang các thị trường mới nổi khác hoặc chuyển lại về quê hương của họ.

Tự động hóa trở thành một xu hướng tất yếu

Theo nhiều nhà kinh tế, vì Trung Quốc không còn có thể dựa vào lực lượng lao động ngày càng mở rộng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên tự động hóa là lựa chọn chắc chắn nhất để nâng cao năng suất lao động - vốn là điều cần thiết nếu Trung Quốc muốn thoát khỏi danh sách những quốc gia có thu nhập trung bình.

Dữ liệu từ Hội đồng Hội nghị Conference Board cho thấy năng suất làm việc/giờ của nhân lực Trung Quốc trong năm 2021 chỉ bằng 1/4 mức trung bình của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và bằng 1/5 mức của Mỹ.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng năng suất của Trung Quốc đã chậm lại trong những năm gần đây. Sau khi tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm 9% trong giai đoạn năm 2000-2010, năng suất làm việc/giờ của Trung Quốc chỉ tăng 7,4%/năm trong thập kỷ tiếp theo đó.

Andrew Harris, chuyên gia kinh tế của công ty tư vấn Fathom Consulting ở London, nói: “Bạn không thể đợi cho đến khi không còn nhân lực mới bắt tay vào giải quyết vấn đề”.

Bất chấp căng thẳng thương mại với Mỹ và sự lo lắng ngày càng tăng của phương Tây về sự phụ thuộc quá mức vào hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn là công xưởng sản xuất của thế giới, chiếm đến 29% sản lượng toàn cầu, theo dữ liệu của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, có nhiều công nhân trẻ tuổi đang trốn tránh làm việc tại nhà máy để tìm kiếm những công việc linh hoạt hơn trong lĩnh vực dịch vụ đang mở rộng của nước này. Bên cạnh đó, thời kỳ bùng nổ người nhập cư kéo dài tại quốc gia này cũng chuẩn bị kết thúc.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có khoảng 147 triệu người đang làm việc trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc vào năm 2021, giảm so với mức cao nhất được ghi nhận trong năm 2012 là 169 triệu người. Theo ILO, việc làm trong lĩnh vực dịch vụ đã tăng 32% lên khoảng 365 triệu người trong cùng kỳ.

Ngoài việc giúp giải quyết áp lực từ những thay đổi kể trên, tự động hóa có thể giúp các nhà máy Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào các dây chuyền sản xuất cao cấp đòi hỏi độ chính xác cao hơn mức mà hầu hết con người có thể thực hiện, trong khi chi phí lắp đặt robot cũng đang trở nên rẻ hơn và dễ thích nghi hơn.

Dobot, một nhà sản xuất robot hình cánh tay nhỏ có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc được sử dụng trong ngành công nghiệp và giáo dục, đã phát triển một hệ thống robot cho một khách hàng ở Trung Quốc chuyên sản xuất tai nghe không dây cho Apple Inc.

Hệ thống này sử dụng robot cánh tay để lắp nam châm vào hộp đựng tai nghe, một quy trình từng có sự tham gia của 4 người. Xie Junjie, Giám đốc sản phẩm tại Dobot, cho biết trong khi năng suất con người có thể hoàn thành khoảng 650 bộ tai nghe trong một giờ thì hệ thống robot có thể thực hiện 800 bộ trong cùng khoảng thời gian.

Ông Xie Junjie nói: “Chính vì vậy, tự động hóa là một xu hướng tất yếu”.

Dữ liệu của IFR cho thấy việc lắp đặt robot công nghiệp trên toàn thế giới đã tăng 27% từ năm 2020 đến năm 2021, lên 486.800 đơn vị. Trong khi đó, tăng trưởng hàng xuất xưởng trong năm 2020 ít thay đổi so với năm trước đó, do đại dịch làm giảm đầu tư.

Mỹ và các khu vực khác của châu Mỹ đã lắp đặt thêm 49.400 robot trong năm 2021, tăng 27% so với năm 2020, trong khi việc lắp đặt ở châu Âu cũng tăng 15%, lên 78.000 robot.

Mặc dù thuật ngữ "robot công nghiệp" bao gồm một loạt các sản phẩm, nhưng máy móc phải là thiết bị đa năng, có thể được lập trình để được sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp tự động, nhằm mục đích đưa vào thống kê của IFR.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy các nhà sản xuất thiết bị điện tử tại Trung Quốc đã tăng cường lắp đặt robot thêm 30% trong năm 2021, giữa bối cảnh các nhà xuất khẩu tìm cách bắt kịp với nhu cầu bùng nổ của phương Tây đối với hàng tiêu dùng.

Một số lĩnh vực sử dụng nhiều robot khác có thể kể đến là các nhà sản xuất ô tô, nhựa, cao su, kim loại và máy móc. Dữ liệu từ Liên đoàn Robot học Quốc tế cho thấy việc lắp đặt robot trong lĩnh vực ô tô của Trung Quốc đã tăng gần 90% trong năm ngoái.

Mặc dù lĩnh vực chế tạo robot của Trung Quốc đang mở rộng, nhưng hầu hết các robot công nghiệp được lắp đặt ở Trung Quốc vào năm ngoái đều được sản xuất ở nước ngoài, chủ yếu ở Nhật Bản.

Manabu Okahisa, người điều hành chi nhánh tại Trung Quốc của nhà sản xuất robot Nhật Bản Yaskawa Electric Corp., cho biết tốc độ lắp đặt robot tại Trung Quốc phản ánh sự sẵn sàng thử nghiệm công nghệ mới.

Ông Okahisa nói: “Đó là một cường quốc sản xuất. Khi một công nghệ mới xuất hiện, họ sẽ thử nghiệm ngay lập tức".

Xuzhou Construction Machinery Group Co., nhà sản xuất thuộc sở hữu nhà nước chuyên sản xuất máy móc xây dựng hạng nặng như máy xúc lật, máy trộn bê tông và máy xúc, đã bắt đầu thử nghiệm tự động hóa quy mô lớn từ đầu năm 2012, Liu Hui, Giám đốc phụ trách mảng sản xuất thông minh của Xuzhou Construction cho biết.

Trong khi đó Zou Yajun, Giám đốc sản xuất, cho biết lý do chính thúc đẩy quá trình tự động hóa của Xuzhou Construction là thách thức ngày càng lớn trong việc thu hút công nhân lao động.

Trước khi tự động hóa, việc chế tạo một máy xúc nạp cần các đội gồm 11 người làm việc trong hai ca, mỗi ca 10 giờ, để phân loại khoảng 10.000 linh kiện. Giờ đây, hai công nhân giám sát một robot có thể làm điều này chỉ trong một ca làm việc, Giám đốc Liu nói.

Số lượng công nhân tham gia dây chuyền sản xuất đã giảm 56% so với giai đoạn trước khi tự động hóa được áp dụng, trong khi năng lực sản xuất tổng thể hàng ngày cao hơn đến 50%.

Bên cạnh đó, công nhân cũng được trả lương cao hơn vì họ có tay nghề cao hơn, ông Liu nói. Trước đây, một người thợ hàn chỉ cần biết hàn là được. Giờ đây, họ cần biết cả công nghệ tự động hóa và cách vận hành thiết bị thông minh ngoài công nghệ hàn.

Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ bùng nổ robot?

Jay Huang, Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc đại lục tại cơ quan nghiên cứu Bernstein, cho biết, tính kinh tế có được từ việc cải tiến công nghệ robot có nghĩa là Trung Quốc có khả năng sẽ bước vào thời kỳ bùng nổ robot.

Ông dự đoán rằng Trung Quốc sẽ có từ 3,2 triệu đến 4,2 triệu robot công nghiệp làm việc trong các dây chuyền sản xuất vào năm 2030, tăng so với mức khoảng 1 triệu hiện tại.

Theo Giám đốc Jay Huang, đại dịch COVID-19 đã khắc họa rõ nét những lợi thế của tự động hóa, khi các quyết định phong tỏa để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã gây ra tình trạng thiếu nhân viên, khiến sản lượng của nhiều nhà máy bị gián đoạn nghiêm trọng.

Giữa bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây quan ngại về sự phụ thuộc quá mức vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, chính phủ nước này đã chủ trương giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài và mở rộng thị phần của các công ty trong nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Susanne Bieller, Tổng thư ký Liên đoàn Robot học Quốc tế, cho biết những áp lực đang hiện hữu đối với thị trường lao động có nghĩa là robot sẽ trở thành yếu tố rất quan trọng đối với việc đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Bà nói: “Trung Quốc không thể làm điều đó nếu không có tự động hóa”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục