Tự hào phóng viên Thông tấn xã Giải phóng: Xẻ dọc Trường Sơn đi làm báo

11:55' - 20/06/2020
BNEWS Hành trình của các nhà báo lúc bấy giờ chẳng khác gì so với quân chủ lực giải phóng. Trên có bom rơi, dưới thì đồi núi chập chùng, rừng thiêng, nước độc.

Hơn 37 năm chinh chiến cùng chiếc máy ảnh, nhà báo Nguyễn Văn Khánh, phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) được tăng cường cho miền Nam đã ghi lại hàng trăm ngàn bức ảnh từ phim trắng đen đến phim màu, từ thời chiến tranh đến công cuộc xây dựng đất nước.

Ông cũng ghi lại nhiều tác phẩm từ chiến trường miền Trung Tây Nguyên đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ nông thôn đến thành thị, từ cuộc sống đời thường của người dân đến các công trình, nhà máy, xí nghiệp đã và sẽ mãi mãi đi vào lịch sử của đất nước Việt Nam.
Từ chiến trường khốc liệt
Năm 1972, nhà báo Văn Khánh cùng nhiều đồng môn tốt nghiệp Khoa Hóa - Đại học Tổng hợp Hà Nội được điều động tham gia lớp báo chí đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã đào tạo phóng viên tăng cường cho miền Nam (GP10).

Từ việc học những môn khoa học tự nhiên chuyển sang học ngữ văn báo chí, bản thân ông cùng nhiều sinh viên không khỏi lúng túng trong thời gian đầu. Thế rồi mọi việc cũng dần quen, năm học ngày càng ngắn lại, gia đình càng ít biết thông tin về con em mình nhất là khi được đưa lên Hòa Bình để huấn luyện trước khi vào chiến trường miền Nam.

Nhà báo Văn Khánh cho biết, lúc bấy giờ các gia đình sinh viên chỉ biết con em mình đã tốt nghiệp và đang làm tại Việt Nam Thông tấn xã.
Một ngày cuối năm, lớp GP10 được xe đưa vào Thanh Hóa, Quảng Bình để rồi từ đây, đoàn phóng viên Thông tấn xã cùng các đoàn quân giải phóng hành trình đi bộ dọc Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam.

“Hành trình của các nhà báo lúc bấy giờ chẳng khác gì so với quân chủ lực giải phóng. Trên có bom rơi, dưới thì đồi núi chập chùng, rừng thiêng, nước độc. Có lúc qua đất bạn Lào, Campuchia; có lúc tưởng chừng phải ở lại mãi nơi đường Trường Sơn… Gần 2,5 tháng sau, cả đoàn mới đến điểm tập kết khu vực Lò Gò, Tây Ninh”, ông kể lại và thỉnh thoảng chen lẫn những câu chuyện vui, buồn của cuộc hành quân năm đó.
Sau 15 ngày ở Lò Gò, Tây Ninh, ông được phân công về địa bàn Cần Thơ. “Nơi đây những năm chống Mỹ được coi là địa bàn chiến lược ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khi Hiệp định Paris được ký kết, cũng là lúc giữa ta và địch đang “giành đất, giành dân” quyết liệt. Đường từ “R” (Tây Ninh) xuống Cần Thơ ngày một khó, có khi là một cuộc hành quân gian nan, khổ cực” - nhà báo Văn Khánh chia sẻ.
Nhớ lại lần tác nghiệp đầu tiên, nhà báo Văn Khánh kể, khi mới vừa đến Cứ, lúc 9 giờ thì nhóm phóng viên được thông báo 10 giờ đi đánh đồn Nhà thờ. “Ừ thì đi, trận đánh ban ngày chắc sẽ có nhiều cơ hội tác nghiệp, nhiều ảnh đẹp”, tôi thầm nghĩ. 

Song thực tế do địa bàn sông, rạch nhiều, quân ta di chuyển nhanh và liên tục nên không tài nào chụp được ảnh… Sau khi chiếm được đồn, giặc đã rút lui hết, đành phải nhờ mấy anh em quân giải phóng sắp đặt chỗ chụp vài tấm hình rồi rút lui”, nhà báo Văn Khánh nhớ lại.
Có lẽ, đó là một trong những trận đánh nhớ nhất trong cuộc đời ông và cũng là bài học đầu tiên về phương thức tác nghiệp của một phóng viên chiến trường. Những lần sau vượt sông, vào Cứ hay trận chống càn là mỗi một lần ông rút ra được bài học kinh nghiệm về cách tiếp cận địa bàn, nếp sống, sinh hoạt của người địa phương. Mỗi cuộc hành quân xong, ông về hầm trú ẩn sử dụng nước tráng phim, nước hiện hình, chờ phơi khô rồi cuộn lại và gửi về chiến khu R bằng đường giao liên.

Suốt thời gian ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhà báo Văn Khánh học được nhiều ở người dân địa phương từ cách sinh hoạt, sống, chiến đấu và những kinh nghiệm đó đã giúp ông không ít lần thoát chết. Đó là đi đêm phải cầm đèn pin bằng tay trái để tránh kẻ địch bắn tỉa vì địch luôn nghĩ mình cầm đèn tay phải; khi lạc vào bãi mìn mà ta cài chống càn, phải thật bình tĩnh quay trở ra và nhớ dẫm chân vào đúng dấu chân khi bước vào...

Một kinh nghiệm khác mà ông học được trong trận chống càn đó là sự bình tĩnh, trong khi hành quân cần quan sát thật kỹ, kiểm tra dấu đi đường. Đến nơi nào không tiếng chó sủa mà có tiếng trẻ con là bình yên, ngược lại nghe có tiếng chó sủa, không có tiếng trẻ con là nơi đó có giặt đón đầu…
Có lần, ông đang nghe tin tức radio thì bỗng nghe phóng viên Hoàng Hựu kêu to: “Nó bắn pháo điểm” rồi lao nhanh ra mé vườn. Ông kể: "Tôi chụp vội cái bóng đựng quần áo, máy ảnh, phim... lao theo. Ngước nhìn lên, tôi thấy chiếc máy bay F5E ném hai trái bom hình tròn tròn. Kinh nghiệm hồi ở quê, nếu nhìn thấy quả bom như thế thì nó sẽ rơi ngay mình; nếu thấy quả bom dài tức là nó sẽ rơi ở điểm khác. Tôi vội lao xuống cái hố, đội cái bóng lên đầu và nín thở chờ đợi”.
Sau hai tiếng nổ đinh tai như xé toang màng nhĩ, khói bụi mù mịt, đất rơi lả tả. Tôi kiểm tra khắp người không thấy bị thương nhưng ngôi nhà mà chúng tôi ở thì bom phạt một nửa, nửa còn lại chơ vơ bốc cháy ngùn ngụt. Hai chiếc máy bay tiếp tục lượn thêm vài vòng, ném thêm 4 trái bom cách xa căn nhà rồi bay khuất tầm mắt.
Đến công cuộc xây dựng đất nước
Nhớ lại những tháng ngày khốc liệt ở chiến trường Tây Đô khi ngày thì giặc chiếm lĩnh, đêm lại là trận địa của ta, những nhà báo được giao thêm nhiệm vụ thực hiện tuyên truyền, binh vận ngay tại chiến trường. Cứ sau mỗi trận đánh, cánh nhà báo lại tổ chức một triển lãm để động viên dân và quân ta.

Ngoài ra, với chất giọng “xứ ngoài” (Hà Tĩnh), lãnh đạo phân công ông đọc bài binh vận kêu gọi binh lính ở đồn Cái Kon, thuộc huyện Châu Thành B bỏ ngũ về với vợ con, gia đình… Chính nhờ chất giọng đặc trưng của nhà báo Văn Khánh mà địch nhầm tưởng là quân giải phóng đã tiến rất gần thủ phủ Cần Thơ, gây nên sự xáo trộn tâm lý lớn trong hàng ngũ.

Cuối năm 1974, nhà báo Văn Khánh cùng nhóm phóng viên GP10 ở Cần Thơ được lệnh trở về chiến khu R, Tây Ninh. Xuất phát từ Rạch Giá đến bờ kênh Nước Đục, nhóm phóng viên tháp tùng đội quân ở Trà Vinh lên miền Đông thì bất ngờ đụng giặc càn tại đây. Ông nhớ lại: 5 giờ chiều trinh sát báo có ít nhất 13 tiểu đoàn có xe tăng, xe bọc thép, dàn hàng ngang từ Long Châu Hà tràn xuống và đang hướng về phía chúng tôi.

Theo lệnh, chúng tôi lùi ra sát bờ kênh Nước Đục, nằm ém ở đó để bảo toàn lực lượng. Lúc này, trinh sát báo, giặc đang tiến về bờ kênh. Vậy là chúng tôi được lệnh bơi sang bên kia kênh, còn trinh sát tiếp tục theo dõi địch. Đang hội ý, chúng tôi lại nghe báo cáo bên này kênh địch còn đông hơn, có cả xe tăng. Trong đoàn, một anh lính E3 bức bối, nổi giận, rút lựu đạn đòi cưa đôi với chúng.

Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm, cả đoàn đã bò men theo bờ kênh, núp dưới tán lá dừa nước và may mắn thoát được khỏi vòng vây của địch. Chúng tôi tiếp tục vượt biên giới sang đất Campuchia rồi vòng về đất Việt Nam, bảo toàn lực lượng về “R” an toàn”.
Sau ngày 30/4/1975, nhiều phóng viên lớp GP10 đã có mặt tại Sài Gòn và tề tựu chung mái nhà Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam. Nhiều phóng viên tiếp tục luân chuyển công tác ở các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ để thực hiện nhiệm vụ thông tin và công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước. Nhà báo Văn Khánh được phân công về công tác tại Phòng Ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.

Những năm đầu thế kỷ 21, nhiều phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã đổi sang nhiều loại máy ảnh hiện đại hơn nhưng riêng nhà báo Nguyễn Văn Khánh vẫn mang bên mình máy ảnh phim hiệu Pentax - đầu đen (Spotmatic SP 1000). Đây được coi là “người đồng chí” cùng kề vai sát cánh, vào sinh ra tử với ông từ lần đầu tiên vào miền Nam cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng và cả lúc về hưu.

Với chiếc máy ảnh này, cùng “một chút tâm tình của người Hà Tĩnh”, góc nhìn của nhà báo Văn Khánh đã mang lại nhiều giải thưởng ảnh báo chí của ngành, ảnh nghệ thuật Việt Nam, ảnh đẹp của Thành phố như tác phẩm: Trị An bừng dậy, Chiến sỹ thi đua của Nhà máy cán thép Biên Hòa (Vicasa), Hoa Thép…./.

>>>"Cháu là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục