Từ tháng 4, Nhật Bản hỗ trợ lao động chuyển việc sang ngành điều dưỡng

11:27' - 05/01/2021
BNEWS Từ tháng 4/2021, Nhật Bản sẽ hỗ trợ lao động chuyển việc sang ngành điều dưỡng, làm việc tại các cơ sở phúc lợi xã hội, trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến nguồn lao động ngành này bị thiếu hụt lớn.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo để có được chứng chỉ lao động, sinh hoạt phí, cùng với khoản vay 200.000 yên (khoảng 1.900 USD) trước khi chính thức bắt đầu công việc.

Người lao động ký làm việc hai năm sẽ được miễn bồi hoàn kinh phí hỗ trợ. Trong bối cảnh người lao động trong một số ngành bị mất việc do COVID-19 có xu hướng tăng cao, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu chuyển đổi được 22.000 lao động từ các ngành khác sang làm việc trong ngành điều dưỡng hoặc tại các cơ sở phúc lợi xã hội.

 Theo Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản, đây là lần đầu tiên chính phủ áp dụng chính sách miễn bồi hoàn kinh phí hỗ trợ nhằm khuyến khích tái tuyển dụng cho các ngành thiếu nguồn lao động.

Bộ này sẽ thông qua các trung tâm hỗ trợ việc làm tại các địa phương trên toàn Nhật Bản để cung cấp gói hỗ trợ cho người lao động từ giai đoạn đào tạo chứng chỉ đến khi tìm việc.

Theo chế độ mới, người lao động có thể tham gia khóa huấn luyện kỹ năng công việc miễn phí tại các cơ sở đào tạo chỉ định của chính phủ Nhật Bản. Các đối tượng được hưởng chế độ mới sẽ tiếp tục được nhận bảo hiểm thất nghiệp tối đa 8.370 yên/ngày. Trường hợp không tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hỗ trợ mức 100.000 yên/tháng.

Trong khi tình hình tuyển dụng lao động tại một số ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19 thì tình trạng thiếu nguồn lao động trong ngành điều dưỡng tiếp tục tăng cao. Tỉ lệ tuyển dụng của ngành này trong tháng 10/2020 lên đến 3,86%, đặc biệt, tại Tokyo tỉ lệ này lên đến 6,43%.

Một cán bộ thuộc Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản cho biết: “Do tình trạng già hóa dân số của Nhật Bản, nhu cầu lao động mới hàng năm trong ngành điều dưỡng vào khoảng 60.000 người. Bệnh cạnh đó, nhu cầu lao động tại các cơ sở phúc lợi xã hội tăng lên khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Người lao động có nguyện vọng làm việc sẽ được hoan nghênh cho dù không có kinh nghiệm chăm sóc điều dưỡng”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục