Từng bước làm chủ công nghệ hệ thống điều khiển tại Trạm biến áp 220kV Nha Trang

16:22' - 12/05/2023
BNEWS Để làm chủ được công nghệ hệ thống điều khiển máy tính tại trạm là một thách thức không nhỏ và đòi hỏi sự đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu sáng tạo của những người quản lý vận hành.

Trạm 220 kV Nha Trang, Truyền tải điện Khánh Hòa, thuộc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3), vận hành từ năm 1999, qua nhiều lần nâng cấp, nâng công suất đến năm 2016 đã cải tạo thành trạm tích hợp, với nhiều thiết bị của các hãng khác nhau, công nghệ tương đối lâu, dẫn đến có sự không đồng bộ trong việc đưa vào hệ thống điều khiển.

Do đó, để làm chủ được công nghệ hệ thống điều khiển máy tính tại trạm là một thách thức không nhỏ và đòi hỏi sự đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu sáng tạo của những người làm công tác quản lý vận hành.

 

Trạm biến áp này là điểm nút quan trọng trao đổi nguồn giữa các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên và Đắk Lắk; cung cấp điện cho phụ tải thành phố Nha Trang và các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Nghĩa, Phó Giám đốc Truyền tải điện Khánh Hòa cho biết, hiện nay, Trạm biến áp 220 kV Nha Trang được trang bị phần mềm điều khiển Powerlink Connection, hệ thống BCU điều khiển hãng GE, cho phép thu thập và hiển thị thông tin theo thời gian thực, giúp kiểm soát quản lý vận hành hệ thống an toàn và hiệu quả.

Trong quá trình quản lý vận hành, các cán bộ kỹ thuật Truyền tải điện Khánh Hòa và nhân viên vận hành Tổ thao tác lưu động Trạm 220 kV Nha Trang đã nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, từ đó nắm vững được các thao tác trên phần mềm điều khiển Powerlink Connection. Đồng thời ứng dụng các công cụ trong phần mềm hiệu quả trong việc quản lý vận hành và giám sát thiết bị đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, ổn định cho lưới điện truyền tải trong thời gian qua.

Tổ thao tác lưu động Trạm biến áp 220 kV Nha Trang đã chủ động phối hợp thực hiện đưa các ngăn thiết bị lên hệ thống điều khiển máy tính với các công việc như: Viết các logic điều khiển; tạo các điểm tín hiệu SDI, tín hiệu DDI, tín hiệu AI (dòng, áp, công suất, nhiệt độ….), tín hiệu điều khiển DO .…; vẽ các giao diện trên HMI (thiết bị giao diện người máy); kết nối các điểm đã tạo lên phần mền HMI.

Ngoài ra, đã thực hiện Map và thử nghiệm tín hiệu SCADA (End To End) với Trung tâm điều độ hệ thống điện miềm Trung (A3), điều độ Điện lực Khánh Hòa.

Với phầm mềm HMI gốc được phía nhà sản xuất cung cấp, các thông số vận hành các xuất tuyến chỉ là phần cơ bản. Để phục vụ hiệu quả quản lý vận hành trong điều kiện hiện tại, Tổ thao tác lưu động Trạm 220 kV Nha Trang đã nghiên cứu, sáng tạo, đưa hiệu ứng hình ảnh lên màn hình HMI và âm thanh cảnh báo quá áp, đầy tải, quá tải các ngăn thiết bị; cảnh báo nhiệt độ dầu, nhiệt dộ cuộn dây máy biến áp bằng âm thanh, hình ảnh.

Từ đó, nhân viên vận hành không phải thường xuyên ngồi theo dõi các giá trị dòng, điện áp của các ngăn thiết bị, nhưng vẫn nắm bắt và theo dõi kịp thời, sát sao những thay đổi trong quá trình vận hành bằng cách phân biệt nhận biết bằng màu sắc và âm thanh.

Phó Giám đốc Truyền tải điện Khánh Hòa cho biết thêm, hiện đơn vị đang quản lý vận hành 4 trạm biến áp ứng dụng 04 hệ thống điều khiển khác nhau; trong đó Trạm biến áp 220 kV Nha Trang sử dụng phần mền điều khiển Powerlink Connection, hệ thống BCU điều khiển hãng GE; Trạm 220 kV Vân Phong sử dụng phần mền điều khiển PSC 9700, hệ thống BCU điều khiển hãng NARI; Trạm biến áp 220 kV Cam Ranh sử dụng phần mền điều khiển PACiS System, hệ thống BCU điều khiển hãng SCHNEIDER; Trạm biến áp 500 kV Vân Phong sử dụng phần mền điều khiển OneATS, hệ thống BCU điều khiển hãng SEL.

Những nhân viên quản lý vận hành trạm biến áp Truyền tải điện Khánh Hòa vẫn đang nỗ lực từng ngày trong việc nghiên cứu, khám phá và khai thác sử dụng ngày càng hiệu quả các ứng dụng khoa học, phần mềm quản lý vận hành thiết bị, nhằm quản lý công việc hiệu quả hơn, bớt đi công sức và tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn hơn cho con người và thiết bị trong công tác quản lý vận hành. Đồng thời, quán triệt chủ trương của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các hoạt động sản xuất, quản lý vận hành lưới điện truyền tải, góp phần thực hiện thắng lợi chủ đề năm 2023: “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”./.

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục