Tương lai bấp bênh của lao động nhập cư ở vùng Vịnh giữa dịch bệnh

21:42' - 30/03/2020
BNEWS Hàng chục nghìn công nhân đang bị giới nghiêm tại Khu công nghiệp Doha của Qatar sau khi hàng chục lao động tại đây có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Hàng triệu công nhân nhập cư trên khắp các quốc gia vùng Vịnh đang đối mặt với tương lai "bấp bênh", trong bối cảnh những nước này tiến hành các biện pháp phong tỏa, trong khi các chủ sử dụng lao động giữ lại tiền lương hoặc cân nhắc việc cắt giảm nhân viên. 

Các nhóm vận động vì quyền lợi người lao động đã cảnh báo rằng chỗ ở chật chội và tình trạng vệ sinh không đảm bảo đang đe dọa sức khỏe của người lao động nhập cư tại các quốc gia vùng Vịnh – nhóm vốn khó có thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, họ cũng phải đối mặt với nguy cơ không được trả lương và bị sa thải, thậm chí có thể bị trục xuất. 

Hiện có hàng chục nghìn công nhân đang bị giới nghiêm tại Khu công nghiệp Doha của Qatar sau khi hàng chục người lao động tại đây có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Một công nhân tại đây cho biết họ đã phải ở tại khu vực này trong 8 -10 ngày qua và đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhu yếu phẩm do nguồn cung của chính phủ hạn chế. Trong khi đó, một nhà ngoại giao Arab ở Riyadh (Saudi Arabia) cho hay nhiều công nhân trong khu vực tư nhân đang trải qua giai đoạn khó khăn do hầu hết các lĩnh vực phải đóng cửa khiến nhiều chủ doanh nghiệp buộc công nhân phải ở nhà mà không có lương. 

Văn phòng tại Doha (Qatar) của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết một số chủ sử dụng lao động đã chuyển nhân viên đến các phòng trọ rộng rãi hơn vì lo ngại điều kiện chật chội có thể làm virus lây lan nhanh, trong khi một số khác đã cải thiện tình trạng vệ sinh ở những khu này.

Tuy nhiên, ILO đã đặt câu hỏi các công ty có thể tiếp tục trả lương cho công nhân trong bao lâu khi cuộc khủng hoảng COVID-19 tiếp diễn. Trước đó, các nền kinh tế vùng Vịnh cũng đã chịu ảnh hưởng lớn từ việc giá dầu lao dốc.

Người đứng đầu văn phòng Qatar của ILO, ông Houtan Homayounpour cho biết việc sa thải nhân công hàng loạt, tuy cho đến thời điểm hiện tại chưa xảy ra, sẽ gây thiệt hại kinh tế lớn cho các nước gửi lao động đến khu vực vùng Vịnh. Lao động nước ngoài ở vùng Vịnh chủ yếu đến từ Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan. Nhóm này chiếm khoảng 10% tổng số người di cư trên toàn thế giới.

Với 10 triệu công nhân nước ngoài, Saudi Arabia hiện đang là nước sở hữu lực lượng lao động nhập cư đứng đầu vùng Vịnh, tiếp sau là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với 8,7 triệu người và Kuwait với 2,8 triệu người.

Tính đến ngày 30/3, Saudi Arabia thông cáo có 1.299 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 8 người đã tử vong. Kuwait có 255 người mắc và chưa có ca tử vong nào. Qatar và UAE lần lượt ghi nhận 634 và 570 ca mắc COVID-19, với số ca tử vong lần lượt là 1 và 3 ca./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục