Tương lai số hóa của Nhật Bản phụ thuộc vào nữ giới

05:30' - 04/07/2023
BNEWS Tỷ lệ phụ nữ làm chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) tại Nhật Bản đang có xu hướng tăng lên.

Vào năm 2021, phụ nữ chiếm 22% tổng số kỹ sư CNTT, tăng 7 điểm phần trăm so với một thập kỷ trước đó và đưa Nhật Bản ngang hàng với Mỹ và châu Âu, một thành tựu quan trọng đối với một quốc gia tụt hậu về số hóa và từ lâu đã phải chịu đựng tình trạng thiếu hụt lao động công nghệ cao.

 

 Karin Umehara, một lập trình viên 27 tuổi, người đã gia nhập đội ngũ nhân viên của nhà phát triển phần mềm kế toán Freee vào tháng 4/2022, cho biết: "Mặc dù tốc độ còn chậm, nhưng giờ đây tôi có thể viết mã code để tạo các chương trình mong muốn". Trước khi gia nhập Freee, Umehara làm việc trong bộ phận tiếp thị của một công ty phần mềm khác. Cô quyết định thay đổi công việc vì muốn phát triển các chương trình của riêng mình. Trong ba tháng sau khi nghỉ việc, mỗi ngày cô đều học lập trình trực tuyến.

Nhật Bản năm 2020 có 1,25 triệu kỹ sư CNTT, bao gồm lập trình viên và kỹ sư hệ thống, tăng 25% so với năm 2015.

Tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản làm việc trong ngành này vào năm 2021 đạt 22%, tăng từ mức tương ứng 15% của năm 2011, theo Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ Công nghệ Thông tin Nhật Bản. Điều này khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng tương tự như cả Mỹ, nơi mà trong cùng thời kỳ, tỷ lệ phụ nữ làm trong lĩnh vực CNTT đã giảm 4 điểm xuống còn 22% và châu Âu, ở mức 19%, tăng 2 điểm.

Tại Nhật Bản, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực CNTT đã tăng mạnh kể từ năm 2016, với sự phổ biến ngày càng gia tăng của các dịch vụ đám mây, phân tích dữ liệu lớn (Big data) và các công nghệ khác.

Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản năm 2018 đóng vai trò kích thích nhu cầu đối với kỹ sư CNTT. Báo cáo chuyển đổi kỹ thuật số của bộ này được công bố vào năm 2018 đã thúc giục các doanh nghiệp đẩy mạnh việc bồi dưỡng nhiều kỹ sư CNTT hơn. Báo cáo cũng vẽ ra một tương lai ảm đạm của ngành CNTT, cho rằng các hệ thống máy tính cũ kỹ và các yếu tố khác sẽ gây ra thiệt hại kinh tế hàng năm lên tới 12.000 tỷ yen (84,6 tỷ USD) trong và sau năm 2025.

Theo nhà cung cấp dịch vụ nhân sự Recruit, số lượng phụ nữ Nhật Bản chuyển từ các ngành khác sang làm chuyên gia CNTT đã tăng 11 lần trong thập kỷ qua cho đến năm 2022. Ngày càng có nhiều phụ nữ nước này chọn làm việc trong lĩnh vực CNTT vì chênh lệch lương giữa nam và nữ trong lĩnh vực này thấp hơn so với các lĩnh vực khác. Trung bình, một nữ nhân viên CNTT vào năm 2022 kiếm được 83 yen cho mỗi 100 yen mà đồng nghiệp nam của họ kiếm được. Theo một cuộc khảo sát của Bộ Lao động Nhật Bản, con số này so với mức tương ứng 71 yen trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm, và 79 yen trong lĩnh vực sản xuất.

Những người nữ giới ở vị trí quản lý được trả lương cao hơn nam giới trong lĩnh vực CNTT. Sadayo Hirata, Phó giáo sư tại Viện Công nghệ Shibaura ở Tokyo, cho biết: “Trong ngành CNTT, tiền lương của người lao động phản ánh tốt hơn năng lực của họ so với các ngành khác".

Phụ nữ làm việc trong lĩnh vực CNTT cũng được tạo điều kiện dễ dàng hơn. Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, 74% công ty CNTT cho phép nhân viên làm việc từ xa trong năm tài chính 2022, cao nhất trong số các ngành công nghiệp chính.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này cung cấp nơi làm việc linh hoạt, giúp nhân viên vẫn có thể nuôi dạy con cái trong khi làm việc.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn mang cái mác "tụt hậu về kỹ thuật số". Vào năm 2022, Nhật Bản xếp thứ 29 trong số 63 nền kinh tế về khả năng cạnh tranh kỹ thuật số toàn cầu, mức xếp hạng thấp nhất kể từ khi trường kinh doanh Thụy Sỹ IMD bắt đầu tổng hợp xếp hạng hàng năm vào năm 2017. Đây là lý do tại sao Nhật Bản cần đưa nhiều chuyên gia nữ lành nghề hơn vào lĩnh vực này, lấy đó là chìa khóa để cải thiện khả năng cạnh tranh về kỹ thuật số của nước này.

Nhưng hệ thống giáo dục của Nhật Bản là một trở ngại lớn khi nhiều trường đại học dành cho phụ nữ ở Nhật Bản không cung cấp các khóa học về CNTT.

Theo một cuộc khảo sát của cơ quan nhân sự Human Resocia ở Tokyo, nhìn chung trong năm 2022, phụ nữ chiếm 9% số sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành CNTT của Nhật Bản, so với tỷ lệ tương ứng 28% ở Hàn Quốc và khoảng 20% ở Mỹ và Châu Âu.

Văn hóa kinh doanh của Nhật Bản cũng là một vấn đề. Ở Mỹ và châu Âu, hầu hết mọi người đều trở thành kỹ sư CNTT sau khi học môn này ở trường đại học. Tại Nhật Bản, nhiều công ty cung cấp chương trình đào tạo tại chỗ để biến những người không chuyên thành kỹ sư CNTT. Do đó, nhiều kỹ sư ở Nhật Bản thiếu kỹ năng về khoa học dữ liệu và các lĩnh vực tiên tiến khác.

Để đảm bảo nguồn cung ổn định các chuyên gia kỹ thuật số lành nghề, Chính phủ Nhật Bản phải can thiệp để giúp đại tu hệ thống giáo dục của đất nước để hệ thống này có thể tạo ra ngày càng nhiều chuyên gia CNTT giỏi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục