Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể lùi thời gian vận hành vì thiếu vốn

10:56' - 09/05/2017
BNEWS Thay vì mốc thời gian dự kiến chạy thử nghiệm là 1/10/2017, người dân Thủ đô có thể phải chờ khá lâu nữa để được trải nghiệm trên những con tàu của dự án đường sắt đô thị Hà Nội.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh Hà Đông. Ảnh: TTXVN

Thay vì mốc thời gian được Bộ Giao thông Vận tải ấn định chạy thử nghiệm là 1/10/2017, người dân Thủ đô có thể phải chờ khá lâu nữa để được trải nghiệm trên những con tàu của dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông vì lý do thiếu vốn.

Theo ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), dự án Cát Linh - Hà Đông hiện đã hoàn thành phần xây lắp. Công việc còn lại của dự án chủ yếu liên quan đến lắp đặt, hiệu chỉnh thiết bị và vận hành chạy thử đối với thiết bị đoàn tàu.

“Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới không có nguồn kinh phí cấp cho dự án để triển khai thì dự án sẽ hết sức khó khăn, khó đạt tiến độ đề ra. Trong khi thời gian Bộ Giao thông Vận tải cam kết đưa dự án vào vận hành thử là ngày 1/10/2017”, ông Triệu Khắc Dũng chia sẻ.

Còn theo đại diện Ban quản lý dự án Đường sắt, hiện dự án đang nợ nhà thầu phụ lên tới 600 tỷ đồng và nhà thầu phán ứng khá gay gắt. Mặc dù kế hoạch lắp đặt thiết bị bắt đầu từ tháng 3/2017, nhưng đáng tiếc vốn "tắc" từ tháng 1 đến nay, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ dự án.

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông và chuẩn bị phương án vận hành khi đi vào khai thác thương mại do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức mới đây, đại diện Ban quản lý dự án Đường sắt cho biết, mặc dù phần xây lắp, hoàn thiện nhà ga, khu depot của dự án đã cơ bản hoàn tất, nhưng phần đường ray, nền đường, hàng rào, đường nội bộ… lại đang chậm tiến độ.

Nguyên nhân chậm tiến độ là do thiếu vốn để chi trả cho nhà thầu.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác cuối năm 2016, nhưng phải điều chỉnh lại thời gian vì tiến độ quá chậm.

Trước đó dự án này được dư luận rất quan tâm vì nhiều lý do như: thời gian thi công chậm, tai nạn lao động, đặc biệt là vấn đề đội vốn. Cụ thể, ban đầu dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2008 là gần 8.800 tỷ đồng, tương đương 553 triệu USD.

Trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc là 1,2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 169 triệu USD) với lãi suất 3%/năm và vốn vay ưu đãi của bên mua là 250 triệu USD (lãi suất 4%/năm). Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là gần 134 triệu USD.

Tuy nhiên, đến thời điểm này dự án phải điều chỉnh số vốn lên tới 868 triệu USD, tăng 315 triệu USD so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Đáng chú ý là phần vốn vay của Trung Quốc phải tăng thêm 250 triệu USD, trong đó riêng các chi phí thuộc Hợp đồng EPC với tổng thầu Trung Quốc đội lên hơn 248 triệu USD. Phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam cũng phải điều chỉnh tăng thêm gần 65 triệu USD…

Nguyên nhân đội vốn chủ yếu do chậm tiến độ dẫn đến trượt giá và phải điều chỉnh thiết kế.

Ban quản lý dự án Đường sắt cho biết, thủ tục vay vốn bổ sung đáng lẽ phải hoàn tất vào cuối tháng 3/2017, nhưng đến nay hợp đồng vay vốn bổ sung này vẫn chưa hoàn tất.

Nếu tiếp tục chậm tiến độ thì chỉ tính tổng vốn vay của Trung Quốc 669,62 triệu USD, tương đương 14.718 tỷ đồng, với lãi suất thấp nhất của khoản vay là 3%/năm, mỗi năm chúng ta phải trả khoảng 442 tỷ đồng tiền lãi/năm. Như vậy, tính ra mỗi ngày phải trả lãi ít nhất 1,2 tỷ đồng và chưa tính đến phần lãi phát sinh của số vốn góp 198 triệu USD từ ngân sách Nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục