Tuyển sinh đại học 2021: Các trường top trên dành nhiều chỉ tiêu cho tuyển sinh riêng

13:42' - 19/03/2021
BNEWS Các trường đại học top trên dành nhiều chỉ tiêu cho đề án tuyển sinh riêng, bên cạnh việc xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Đến thời điểm này, một số trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2021, trong đó, thực hiện đa dạng các phương thức, chuyển mạnh theo hướng tự chủ.

Các trường đại học top trên dành nhiều chỉ tiêu cho đề án tuyển sinh riêng, bên cạnh việc xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

*Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mở cổng đăng ký xét tuyển tài năng từ ngày 20/3

Năm 2021, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến xét tuyển khoảng 7.000 chỉ tiêu sử dụng ba phương thức xét tuyển: Xét tuyển tài năng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021 (dự kiến 50 - 60% tổng chỉ tiêu) và xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức thi riêng (dự kiến 30 - 40% tổng chỉ tiêu).

Từ 10 giờ ngày 20/3, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ mở hệ thống đăng ký xét tuyển tài năng để thí sinh đăng ký hồ sơ xét tuyển thẳng năm 2021.

Với phương thức xét tuyển tài năng, trường dự kiến dành 10-20% tổng chỉ tiêu, trong đó, số lượng tuyển thẳng mỗi ngành không quá 30% chỉ tiêu của ngành đó. Nhà trường không nhận hồ sơ trực tiếp mà chỉ nhận hồ sơ trực tuyến qua hệ thống đăng ký tuyển sinh: dangkytuyensinh.hust.edu.vn.

Cụ thể, với phương thức xét tuyển tài năng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi quốc tế; thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba quốc gia các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngoại ngữ, Khoa học Kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng xét tuyển thẳng căn cứ kết quả thi chứng chỉ khảo thí ACT, SAT, A-Level và IELTS đối với thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8 điểm trở lên.

Trong đó, trường xét tuyển thẳng vào tất cả các ngành, chương trình đào tạo đối với thí sinh có chứng chỉ ACT, SAT, A-level đạt ngưỡng quy định của trường. Đối với chứng chỉ A-level, các môn học phải phù hợp với ngành dự tuyển.

Ngoài ra, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn dành cho thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8 điểm trở lên và đáp ứng một trong các điều kiện sau: Thí sinh thuộc hệ chuyên (gồm chuyên Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Tiếng Anh) của các trường Trung học phổ thông chuyên trên toàn quốc; thí sinh được chọn tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba cấp tỉnh, thành phố các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Tiếng Anh bậc Trung học phổ thông; Thí sinh được chọn tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; Thí sinh tham dự Vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam; Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.0 trở lên (đăng ký xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý); Thí sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

*Trường Đại học Kinh tế quốc dân dành 50% chỉ tiêu theo đề án riêng

Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2021, với 6.000 chỉ tiêu, theo 54 mã ngành, chương trình đào tạo. Trường tuyển sinh theo ba phương thức gồm: Tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (lấy 1-5% chỉ tiêu), dựa vào kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021 (50%), xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (45-50%).

Trong phương thức xét tuyển theo đề án riêng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia thí sinh thành năm nhóm, mỗi nhóm có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện nhận hồ sơ riêng.

Thứ nhất, thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT 1200/1600 hoặc ACT 26/36 trở lên. Điểm xét tuyển = điểm SAT * 30/1600 hoặc điểm ACT * 30/36 + điểm ưu tiên (nếu có). Chỉ tiêu cho nhóm này khoảng 1-3%.

Nhóm hai, thí sinh đã tham gia vòng thi tuần của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, đạt 18 điểm trở lên tại tổ hợp bất kỳ trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021. Chỉ tiêu cho nhóm này từ 1-2%.

Điểm xét tuyển là tổng điểm tổ hợp xét tuyển, điểm thưởng vòng thi và điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó, điểm thưởng căn cứ vào vòng thi của thí sinh tại chương trình Olympia, lần lượt vòng năm 2,5 điểm, quý 2 điểm, tháng 1,5 và tuần 1 điểm.

Nhóm ba, thí sinh phải đảm bảo cùng lúc hai điều kiện đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL ITP 500 trở lên, đạt tối thiểu 18 điểm tại tổ hợp bất kỳ trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021. Nhóm này chiếm 15-20% chỉ tiêu. Điểm xét tuyển bằng điểm chứng chỉ quy đổi + tổng điểm môn Toán và một môn bất kỳ + điểm ưu tiên.

Nhóm bốn, thí sinh cần đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc khuyến khích tại kỳ thi quy mô quốc gia, điểm tổ hợp không dưới 18. Điểm xét tuyển là tổng điểm tổ hợp, điểm thưởng giải học sinh giỏi và điểm ưu tiên, trong đó giải Khuyến khích quốc gia và Nhất cấp tỉnh được cộng 0,5 điểm, Nhì cấp tỉnh 0,25. Chỉ tiêu phân bố cho nhóm này là 5%.

Nhóm năm, thí sinh là học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên, đạt điểm trung bình học tập tối thiểu 8 điểm tại 5/6 kỳ bậc Trung học phổ thông và điểm ba môn tổ hợp không dưới 18. Chỉ tiêu cho nhóm này  là 15-20%. Điểm xét tuyển = điểm trung bình học tập 5 kỳ + điểm thi môn Toán và một môn bất kỳ + điểm ưu tiên.

Trường chấp nhận các tổ hợp xét tuyển gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh), D09 (Toán, Lịch sử, Tiếng Anh), D10 (Toán, Địa lý, Tiếng Anh), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), C03 (Toán, Văn, Lịch sử), C04 (Toán, Văn, Địa lý).

Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dự kiến là 18 điểm gồm điểm ưu tiên, xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Điểm trúng tuyển xác định theo mã ngành, chương trình; không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển.

Trường không áp dụng thêm tiêu chí phụ trong xét tuyển, ngoài quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nếu xét tuyển theo từng phương thức không đủ chỉ tiêu, chỉ tiêu còn lại được chuyển sang xét tuyển theo các phương thức khác.

*Trường Đại học Ngoại ngữ dành 30% xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển

Năm 2021, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh dựa trên 3 phương thức xét tuyển. Đối với phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (chiếm 30% chỉ tiêu tuyển sinh), ngoài những đối tượng xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường còn xét tuyển thẳng theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cụ thể, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại Quốc gia Hà Nội) xét tuyển thẳng học sinh hệ chuyên các trường Trung học phổ thông chuyên trên cả nước đáp ứng một trong các tiêu chí, gồm: Là thành viên chính thức của đội tuyển Olympic quốc tế; đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Đại học Quốc gia Hà Nội môn Ngoại ngữ; là thành viên chính thức của đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Ngoại ngữ; có điểm trung bình chung mỗi năm trong 5 học kỳ từ 8 điểm và điểm trung bình chung của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển trong 5 học kỳ từ 8 điểm trở lên.

Đối với học sinh hệ không chuyên của các trường Trung học phổ thông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cần đáp ứng một trong các tiêu chí, gồm: đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Đại học Quốc gia Hà Nội môn Ngoại ngữ; có điểm trung bình chung mỗi năm trong 5 học kỳ từ 8,5 điểm và điểm trung bình chung của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển trong 5 học kỳ từ 9 điểm trở lên.

Đối với học sinh các trường Trung học phổ thông trên toàn quốc cần đáp ứng một trong các tiêu chí, gồm: là thành viên tham gia cuộc thi tháng của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” và có điểm trung bình chung 5 học kỳ từ 8 điểm; đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố các môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm trung bình chung 5 học kỳ từ 8 trở lên.

Trường Đại học Ngoại ngữ cũng xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT (từ 1100/1600), A-Level, ACT (từ 22/36) và IELTS (từ 6.0) và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương,…

Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, trường tuyển 50% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Mỗi ngành học chỉ có một điểm xét tuyển, không phân biệt điểm xét tuyển giữa các tổ hợp. Điểm xét tuyển tính theo công thức: Môn 1 + Môn 2 + Môn Ngoại ngữ x 2 + Điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng)/3 x 4

Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực học sinh Trung học phổ thông của Đại học Quốc gia Hà Nội, trường tuyển 20% trên tổng chỉ tiêu tuyển sinh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục