Tuyển sinh đại học 2021: Một số điều chỉnh tạo thuận lợi cho thí sinh

21:49' - 25/03/2021
BNEWS Với những thay đổi trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2021, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến.

Tại Hội nghị trực tuyến về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021 diễn ra ngày 25/3, đại diện các cơ sở giáo dục đại học cơ bản tán thành với những điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh, đồng thời, đề xuất một số nội dung nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh trong quá trình xét tuyển.

*Thời gian điều chỉnh nguyện vọng từ 5-7 ngày

Một điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay, đó là thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến. Năm 2020, thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển duy nhất một lần.

Tuy nhiên, đại diện một số cơ sở đào tạo còn băn khoăn về thay đổi này.  Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, thời gian điều chỉnh nguyện vọng quá dài sẽ ảnh hưởng đến các công tác, kế hoạch tuyển sinh.

Ông cho rằng, nên giữ nguyên số lần điều chỉnh như năm 2020 để các trường sớm kết thúc việc xét tuyển, đón sinh viên đến trường kịp năm học mới.

Phó Giám đốc Học viện Tài chính Nguyễn Đào Tùng cho rằng, việc điều chỉnh nhiều lần có thể gây ra sự phân tâm cho thí sinh. Thậm chí, theo kinh nghiệm làm tuyển sinh của ông, nếu cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần, chính các em cũng không nhớ là mình đã thay đổi nguyện vọng như thế nào.

Giải đáp vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, Bộ sẽ quy định thời gian điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông trong khoảng thời gian từ 5 - 7 ngày.

Trong thời gian này, thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng 2 hoặc 3 lần theo hình thức trực tuyến. Vì vậy, điều đó không ảnh hưởng tới khung kế hoạch thời gian xét tuyển.

Bộ sẽ chỉ đạo các Vụ, Cục có thể gửi xác nhận điều chỉnh nguyện vọng qua email cho thí sinh để các em chắc chắn về các nguyện vọng đã điều chỉnh.

*Giảm lệ phí xét tuyển

Những năm trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất mức lệ phí xét tuyển chung là 30.000 đồng/nguyện vọng. Tuy nhiên, từ năm nay, theo Luật Giá và Luật Giáo dục Đại học, các trường phải chủ động đưa ra mức lệ phí đăng ký xét tuyển theo nguyện vọng.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các trường đại học cho rằng, vẫn cần đưa ra mức giá chung giữa các trường, đồng thời, xem xét giảm lệ phí tham gia xét tuyển đối với thí sinh năm nay do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, các trường nên thống nhất việc đưa ra mức giá chung nhằm giúp thí sinh yên tâm đăng ký nguyện vọng mà không phải bận tâm khi mỗi nguyện vọng đăng ký vào các trường lại phải nộp các khoản phí khác nhau.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lệ phí tuyển sinh có thể giảm xuống còn 25.000 đồng/nguyện vọng xét tuyển để hỗ trợ thí sinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng tán thành việc không nên quy định mỗi trường một mức giá khác nhau vì điều đó sẽ khiến thí sinh bị phân tâm.

Ngoài ra, sẽ rất phức tạp nếu từng trường phải đi đàm phán với các Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc thu lệ phí. Do vậy, các trường đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ trong việc tìm một đầu mối chung là một đơn vị sự nghiệp để ủy quyền trong khâu thanh toán.

Trước ý kiến từ các trường liên quan đến lệ phí xét tuyển, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đồng thuận với đề xuất giảm mức thu lệ phí đăng ký xét tuyển đối với thí sinh.

Đại diện các cơ sở giáo dục đại học, Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra thống nhất mức thu lệ phí đăng ký xét tuyển nên là 25.000 đồng/nguyện vọng.

Lệ phí đăng ký xét tuyển này sẽ được phân bổ rõ ràng, trong đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo giữ lại 15.000 đồng/nguyện vọng, sử dụng tại Sở Giáo dục và Đào tạo tối đa 9.000 đồng/nguyện vọng, số còn lại điều tiết sử dụng tại các điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển.

10.000 đồng/nguyện vọng sẽ phân bổ cho các cơ sở giáo dục đại học – nơi thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trong đó, 6.000 đồng là kinh phí thực hiện xét tuyển tại các trường; 4.000 đồng dành để chia sẻ chi phí điều phối chung cho hoạt động tuyển sinh, chi phí quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu chung toàn quốc, phần mềm đăng ký xét tuyển và lọc ảo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục