Tuyên truyền, phổ biến về Luật Cạnh tranh 2018

14:50' - 13/09/2018
BNEWS Trong khuôn khổ dự án "Tăng cường các thể chế cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng", ngày 13/9, Aus4Reform và Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng tổchức hội thảo phổ biến Luật Cạnh tranh 2018
 
Tuyên truyền, phổ biến về Luật Cạnh tranh 2018.

Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS-TTXVN

Trong khuôn khổ dự án "Tăng cường các thể chế cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng", ngày 13/9, tại Hà Nội, Chương trình "Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam" (gọi tắt là Aus4Reform) phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo tuyên truyền phổ biến Luật Cạnh tranh Việt Nam 2018.
Theo đó, Luật điều chỉnh nhiều nội dung liên quan tới các quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tố tụng cạnh tranh, xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh và quản lý Nhà nước về cạnh tranh...
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết, so với Luật Cạnh tranh 2004, luật mới được mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; các hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan...
Cơ bản nhất là sửa đổi, bổ sung hành vi bị cấm đối với cơ quan Nhà nước, các quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và quy định về chính sách khoan hồng. Ngoài ra, Luật Cạnh tranh 2018 còn bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường, Hoàn thiện các quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh....
Đi vào cụ thể những điểm mới trong Luật Cạnh tranh năm 2018, bà Trần Phương Lan, Trưởng Phòng Giám sát Chính sách cạnh tranh nêu rõ, luật mới quy định việc ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể. Hay, việc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước. Hoặc, trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật, phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác. Hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh...đều là những vi phạm luật và là hành vi bị cấm.
Nếu trước kia, việc kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và quy định về chính sách khoan hồng đều cấm dựa trên mức thị phần kết hợp thì nay, dựa trên việc đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động một cách đáng kể cộng thêm chính sách khoan hồng.
"Sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp cũng được xác định căn cứ vào một số yếu tố như: sự tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan; sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp. Song song với đó là, rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác; khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ.

Cùng với đó là lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật; quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng; quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, còn có khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác; các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.", bà Lan cho biết.
So với Luật Cạnh tranh 2004, luật mới cũng hoàn thiện hơn về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh, qua đó giúp đơn giản, rút ngắn thời gian. Ngoài ra, phân biệt rõ ràng giữa các khâu, mỗi khâu gắn với trách nhiệm rõ ràng của các bên tham gia. Bên cạnh đo, quy định rõ ràng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; đảm bảo sự rõ ràng và minh bạch của hệ thống pháp luật.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục