Tỷ lệ hợp tác xã tiếp cận được các chính sách ưu đãi chưa cao

12:22' - 17/09/2017
BNEWS Do HTX là một mô hình đặc thù nên các TCTD cần có cơ chế linh hoạt về thủ tục vay vốn, cho phép dùng tài sản làm thế chấp có nguồn gốc hình thành từ vốn vay hoặc vay vốn bằng tín chấp...
Tỷ lệ hợp tác xã tiếp cận được các chính sách ưu đãi chưa cao. Ảnh minh họa: Sỹ Thắng/TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với hợp tác xã nông nghiệp ở các địa phương diễn ra chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chính sách ưu đãi của nhà nước đối với kinh tế hợp tác xã chưa thật sự tạo động lực thúc đẩy kinh tế hợp tác và đặc biệt các hợp tác xã nông nghiệp phát triển.

Tổng kinh phí hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp trong 4 năm (2013-2016) khoảng 1.069,5 tỷ đồng (bình quân 4,2 tỷ đồng/tỉnh/năm; trong đó ngân sách Trung ương 386 tỷ đồng, ngân sách địa phương 683,5 tỷ đồng.

Trong chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 3/2017, doanh số cho vay từ khi triển khai chương trình đạt 7.787 tỷ đồng. Số lượt khách hàng vay đạt 26.905 lượt.

Hưởng chính sách theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, mới có 18 hợp tác xã nông nghiệp được vay vốn với doanh số cho vay chiếm 0,16% tổng doanh số cho vay, không có nợ xấu. Ngoài kinh phí của trung ương, nhiều địa phương đã bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp.

Về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, năm 2016, cả nước có 48/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương triển khai với 2.262 điểm xây dựng cánh đồng lớn, tập trung nhiều ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Số lượng cánh đồng lớn chủ yếu đối với sản xuất lúa (chiếm 73,4%), ngoài ra một số loại cây trồng như rau, mía, ngô, chè…

Tham gia cánh đồng lớn, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật và trong một số mô hình còn được doanh nghiệp liên kết cung ứng vật tư đầu vào không tính lãi. Các doanh nghiệp đã có được vùng cung cấp nguyên liệu ổn định với chất lượng bảo đảm và tiết kiệm chi phí thu mua, vận chuyên.

Tuy nhiên, diện tích cánh đồng lớn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 3,9%) so với tổng diện ích cây trồng. Số hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết xây dựng cánh đồng lớn chưa nhiều. Tỷ lệ bao tiêu phẩm qua hợp đồng trong cánh đồng lớn chưa cao, tình trạng phá vỡ hợp đồng thường xuyên xảy ra. Do đó không đáp ứng được yêu cầu sản xuất hiện nay, đặc biệt là về quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều tỉnh đã chủ động vận dụng các chính sách, dự án triển khai trên địa bàn để hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp phát triển chế biến, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ các chính sách hỗ trợ, nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng các cửa hàng, quần hàng kinh doanh, trưng bày triển lãm giới thiệu các sản phẩm, nhà sơ chế để bảo quản chế biến.

Số hợp tác xã triển khai thành công mô hình liên kết sản xuất gắn bao tiêu sản phẩm ngày càng tăng. Điều này cho thấy các hợp tác xã đang tìm hướng đi đúng đắn trong phát triển sản xuất, mở rộng đầu tư khoa học kỹ thuật tạo ra những sản phẩm chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, số lượng và tỷ lệ hợp tác xã tiếp cận được các chính sách chưa cao. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Chính phủ cần bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp; tạo điều kiện cho các hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh.

Do hợp tác xã là một mô hình đặc thù nên các tổ chức tín dụng cần tạo thuận lợi và có cơ chế linh hoạt về thủ tục vay vốn cho các hợp tác xã, cho phép dùng tài sản làm thế chấp có nguồn gốc hình thành từ vốn vay hoặc vay vốn bằng tín chấp, vay vốn theo dự án sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, thành lập quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã cấp tỉnh để cho vay, thực hiện bảo lãnh tín dụng cho các hợp tác xã nông nghiệp.

Hiện cả nước có 21 liên hiệp và 10.726 hợp tác xã nông nghiệp, với hớn 3,9 triệu thành viên. Tổng số vốn hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp và 12.413 tỷ đồng, bình quân 1,26 tỷ đồng/hợp tác xã. Có 33% hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động được phân loại khá, tốt./.

>>> Tiềm năng phát triển hợp tác xã trong lĩnh vực giao thông, xây dựng còn nhiều

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục