Hoạt động hợp tác xã đã thực chất, hiệu quả hơn

10:27' - 04/09/2017
BNEWS Ông Nguyễn Văn Đoàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời phỏng vấn BNEWS về các giải pháp tháo gỡ khó khăn sau hơn 4 năm triển khai Luật Hợp tác xã.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Thúy Hiền/TTXVN

Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 được đánh giá là một trong những luật tiên tiến, rút được kinh nghiệm của nhiều nước có phong trào hợp tác xã phát triển trên thế giới như: Canada, Hà Lan, Đức, Malaysia, Thái Lan….

Hợp tác xã theo quy định của Luật mới đang là mô hình kinh tế phù hợp, giúp nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và duy trì sinh kế bền vững. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ. Để hiểu rõ hơn, Phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Đoàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh vấn đề này.

BNEWS: Ông có thể đánh giá chung về mô hình hợp tác xã kiểu mới, cũng như vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế chung của đất nước ?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Đoàn: Trong thời gian qua, sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực, các địa phương đã rà soát lại tình hình hợp tác xã, tiến hành đăng ký lại, chuyển đổi các hợp tác xã theo quy định của Luật. Đến nay, việc chuyển đổi cơ bản đã được gần 90%; khu vực hợp tác xã có chuyển biến đáng kể.

Cụ thể, số lượng hợp tác xã trên cả nước đã tăng lên, từ 18.986 hợp tác xã vào năm 2013 đã lên tới 19.569 hợp tác xã, tăng 583 hợp tác xã; thu hút trên 6,2 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động.

Hoạt động của các hợp tác xã cũng đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Đây được đánh giá là mô hình giúp đỡ nông dân, người sản xuất nhỏ liên kết, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, kinh tế tập thể đóng góp trong GDP khoảng 4%, ngoài đóng góp trực tiếp vào GDP, mô hình hợp tác xã có tác động gián tiếp rất lớn đối với kinh tế thành viên, góp phần ổn định chính trị - xã hội. Đây là vai trò quan trọng của hợp tác xã trong phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Tôi cho rằng Luật Hợp tác xã năm 2012 có nhiều tiến bộ. Ví dụ, trước đây trong hợp tác xã kiểu cũ, các thành viên hầu hết làm theo kiểu “cha chung không ai khóc”, kinh tế cá thể, kinh tế hộ bị triệt tiêu.

Với mô hình hợp tác xã kiểu mới, các mô hình kinh tế hộ vẫn tồn tại và phát triển bình thường. Các hộ kinh tế cá thể có nhu cầu sẽ hợp tác lại với nhau để cùng hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống, qua đó tạo giá trị tăng thêm cho từng hộ.

BNEWS: Khi Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời, đã có những chính sách hỗ trợ như thế nào đối với các hợp tác xã ở các địa phương, thưa ông?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Đoàn: Sau khi Luật Hợp tác xã ra đời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình hỗ trợ hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 tại Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2004. Trong thời gian qua, mặc dù ngân sách rất khó khăn nhưng ngân sách Trung ương cũng đã cùng với ngân sách địa phương có một số hỗ trợ nhất định cho khu vực hợp tác xã, đặc biệt đối với những hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ vẫn còn rất khiêm tốn. Từ năm 2017, Chính phủ cũng đã cho phép lồng ghép trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ phát triển hợp tác xã, nhưng do chưa bố trí được dòng ngân sách riêng cho mục tiêu này nên vẫn rất khó khăn trong việc phân bổ và đánh giá hiệu quả vốn hỗ trợ.

BNEWS: Theo ông, những khó khăn và vướng mắc nhất hiện nay là gì đối với phát triển mô hình hợp tác xã ?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Đoàn: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi từ mô hình hợp tác xã cũ sang hợp tác xã mới nhìn chung còn chậm. Tính đến nay mới có khoảng 21/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% chuyển đổi mô hình theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Tuy nhiên, việc liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với nhau còn mờ nhạt. Các quy định pháp lý liên quan đến phát triển hợp tác xã tương đối đầy đủ, song vẫn chưa được các bộ, ngành, địa phương thực hiện triệt để; thiếu nguồn kinh phí để triển khai các chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã.

Bên cạnh đó, vướng mắc hiện nay đối với các hợp tác xã còn rất nhiều; thứ nhất là quy mô hợp tác xã ở Việt Nam nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ của các cán bộ hợp tác xã nói chung cũng kém. Thứ hai, các hợp tác xã hiện nay mới tập trung vào cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã. Việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra là khâu quan trọng và vướng nhất của các hộ thành viên thì hầu như chưa giải quyết được.

Hiện mới chỉ có khoảng hơn 10% tổng số hợp tác xã tiếp cận đến khâu này. Tiếp đến là tình trạng thiếu vốn của hợp tác xã, một mặt hợp tác xã là tập hợp của những người yếu thế, ít vốn trong xã hội nên việc huy động vốn từ bản thân thành viên hợp tác xã cũng hạn chế.

Mặt khác, hợp tác xã rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng. Nguyên do không có tài sản thế chấp; năng lực điều hành, quản trị hạn chế dẫn đến lúng túng trong hoạt động sản xuất kinh doanh; không có phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả. Một số hợp tác xã thiếu công khai minh bạch, thực hiện chưa đúng quy định về quản lý tài chính, kế toán, chưa tuân thủ các nguyên tắc của Luật Hợp tác xã 2012....

Công nhân phơi khô cá Sặc tại Hợp tác xã Thủy sản Tương Lai (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Mặc dù, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó cho phép những hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được vay tối đa 1 tỷ đồng, không cần thế chấp. Tuy nhiên, theo phản ánh của các hợp tác xã, chính sách rất hay nhưng các hợp tác xã vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.

Tuy nhiên, việc hợp tác xã chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay một mặt cũng là do phương án sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã còn chưa được tốt nên ngân hàng chưa cho vay vì bản thân ngân hàng cũng cần phải đánh giá khả năng thu hồi vốn, tránh các khoản nợ xấu để bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, xem xét, thay thế bằng các biện pháp bảo đảm khác hoặc có quy định ưu đãi riêng đối với hợp tác xã. 

BNEWS: Thưa ông, trong phát triển kinh tế, công tác xúc tiến thương mại là việc rất quan trọng. Vậy trong Luật Hợp tác xã năm 2012 đã xây dựng những chính sách để hỗ trợ phát triển công tác này hay chưa?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Đoàn: Trong Luật Hợp tác xã năm 2012 và Nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã cũng đã có quy định về hỗ trợ hợp tác xã xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường (Điều 6, khoản 1, điểm b). Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phê duyệt một số Đề án xúc tiến thương mại quốc gia cho các hợp tác xã, Liên minh hợp tác xã Việt Nam tham gia các hội chợ trong và ngoài nước nhằm quảng bá hình ảnh, mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến thương mại còn đơn lẻ, quy mô nhỏ chưa có tác động nhiều, hoạt động còn hạn chế. Tôi hy vọng, trong thời gian tới sẽ tốt hơn. 

BNEWS: Thưa ông, nếu phát triển tốt mô hình hợp tác xã thì lực lượng này sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của nền kinh tế như thế nào ? Và ông có những khuyến nghị gì để mô hình hợp tác xã phát triển một cách bền vững ?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Đoàn: Hợp tác xã là thành phần rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Dù bản thân hợp tác xã đóng góp chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 4% GDP nhưng tác động lan tỏa từ hợp tác xã đối với thành viên là rất lớn.

Qua các hoạt động của hợp tác xã sẽ tác động trực tiếp đến khoảng 6,2 triệu thành viên và đời sống của hàng chục triệu người thuộc hộ gia đình thành viên. Từ đó góp phần làm tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thành viên, của bản thân hợp tác xã và của toàn bộ nền kinh tế.

Thông qua hợp tác xã, thành viên, nhất là nông dân với quy mô sản xuất nhỏ có thể liên kết lại với nhau nhằm phát huy lợi thế của kinh tế theo quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; gắn kết sản xuất của hộ nông dân với khâu chế biến, tiêu thụ nông sản mang lại lợi ích lớn hơn cho người nông dân.

Hợp tác xã phát triển hiệu quả sẽ góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, ngay tại địa bàn cơ sở; đóng góp tích cực cho phát triển chung kinh tế, xã hội của đất nước.

Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung hơn nữa cho công tác tuyên truyền, tập huấn cho tất cả các cán bộ Nhà nước, nhân dân để hiểu rõ hơn về mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Bên cạnh đó cần có các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ các “nút thắt” cho hợp tác xã phát triển, đặc biệt là các vấn đề về đất đai, vay vốn, bảo hiểm cho cán bộ hợp tác xã, xử lý nợ khê đọng, tài sản cho các hợp tác xã chuyển đổi, giải thể…

Tiếp đến là tháng 9 này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến về hợp tác xã để đánh giá sơ kết tình hình thực hiện; trong đó có xem xét những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Luật để tìm hướng giải quyết trong thời gian tới.

Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng, phương án cho sáp nhập, hợp nhất một số hợp tác xã để tăng quy mô, tăng hiệu quả cũng cần được nghiên cứu và triển khai; đồng thời, cần đề xuất hình thức liên kết giữa các hợp tác xã cùng lĩnh vực, cùng địa bàn để cùng nâng cao sức cạnh tranh.

Xin cám ơn ông !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục