Tỷ phú quýt đường vùng đất đỏ

06:39' - 06/08/2017
BNEWS Nhà nông Lê Công Khanh năm nay vừa tròn 40 tuổi (ở ấp 7, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) đã trở thành tỷ phú, nhờ bén duyên với cây quýt đường.

Hiện anh và một người bạn đang sở hữu hơn 30 ha cây quýt đường và cam sành cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Lộc Ninh vốn là vùng đất đỏ phù hợp trồng cây cao su, hồ tiêu nhưng anh Khanh đã mạnh dạn đưa cây có múi về vùng đất này trồng thử, đó là cây quýt đường. Bất ngờ cây quýt đường bén duyên đã phát triển tốt, cho trái mọng to và ăn rất thơm ngọt không thua gì vùng đặc sản ở các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Từ diện tích thử nghiệm ban đầu, nông dân Lê Công Khanh bắt đầu gây dựng chương trình “khởi nghiệp”. Anh mạnh dạn mở rộng diện tích lên đến 13 trồng chuyên canh cây có múi (chủ yếu cây quýt đường), đến nay thành quả gây dựng cơ nghiệp đã cho anh thu nhập cao hàng năm.

Theo anh Lê Công Khanh, cây quýt rất “đỏng đảnh” vì cho thu nhập trong thời gian khá ngắn từ 5-7 năm. Nếu đã quyết tâm đầu tư thì phải tốn nhiều công sức và tiền của. Hiện mỗi héc ta đầu tư kiến thiết ban đầu khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải ai đầu tư cây quýt đường đều thắng. Nếu bất cẩn trong khâu chăm sóc, quản lý vườn cây sẽ dẫn đến giảm năng suất, chất lượng không cao và thất bại vì thị trường đầu ra.

Anh Khanh cho biết, cây quýt đường tưởng rất dễ trồng, nhưng cây này rất khó chăm sóc nếu như áp dụng không đúng kỹ thuật. Để có được một vườn quýt đường đạt năng suất cao phải biết vận dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào việc trồng và chăm sóc.

Về khâu chăm sóc, khi bón phân hóa học và hữu cơ bằng hình thức lên men, sử dụng phân chuồng ủ với men vi sinh. Khoảng hai tháng phải chăm bón phân một lần để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây, khi chăm bón đủ cây quýt sinh trưởng tốt, trái ra đều và cho quả to ngon ngọt.

Trong lúc cải tạo vườn dưới gốc cây phải giữ được ẩm cho đất, quanh gốc có ít cỏ bao phủ để mùa mưa chống xói mòn. Nếu làm sạch và phun thuốc diệt cỏ nhiều không những mất công sức, tiền đầu tư mà còn gây tác hại cho cây quýt đường bị ức chế thiếu sinh lực phát triển.

Do năm nay mưa nhiều nên cây quýt đường đậu trái bị giảm mạnh. Anh Khanh cho biết, cây quýt có tuổi thọ khá thấp, nên để đeo đuổi trồng cây quýt đường thì phải "ăn ở" bám theo cây từng ngày.

Anh Khanh cho biết thêm, vườn quýt đường ở Lộc Hưng sau thời gian thu hoạch đã già cỗi, giảm năng suất nên anh quyết định mở rộng thêm tại xã Thanh An, huyện Hớn Quản lên 31 ha; trong đó có 7 ha cam sành. Hiện toàn bộ 31 ha quýt đường và cam sành bắt đầu cho trái và dự kiến cao điểm vụ Tết sắp tới sẽ cho thu hoạch rộ. Sản phẩm quýt đường của anh giờ có thương hiệu được bạn hàng ưa chuộng đặt hàng tiêu thụ tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Anh Lê Công Khanh dự tính sẽ sản xuất vườn cây theo tiêu chuẩn VietGAP dùng phân bón sinh học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm sạch để đáp ứng thị trường trong nước. Ước mong của anh nông dân U40 giàu nghị lực Lê Công Khanh biến vùng đất Thanh An, huyện Hớn Quản và ở Lộc Ninh hình thành vùng chuyên canh cây đặc sản quýt đường và cây có múi cho hiệu quả kinh tế cao và đầu ra sản phẩm luôn có thị trường tiêu thụ ổn định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục