U Minh Thượng xây dựng mô hình trồng rau bản địa sạch

15:27' - 08/04/2019
BNEWS Hiện nay vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm hàng đầu, làm sao để có sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng luôn đặt ra câu hỏi bấy lâu nay.
Nông dân huyện U Minh Thượng trồng rau theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Được thiên nhiên ưu ái, vùng đất huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) có tiềm năng, lợi thế trồng rau màu các loại. Hiện nay, tổng diện tích trồng màu trên địa bàn huyện có trên 1.800 ha, sản lượng trên 41.000 tấn/năm; trong đó mô hình trồng rau ăn lá 309 ha.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng, ở địa phương trước đây các loại rau hoang dã, như đọt choại, nụ áo, cơm thất, rau muống đồng… mọc bìa rừng rất nhiều, người dân lúc nông nhàn đi hái bán mỗi ngày cũng được 100.000 đồng.

Thế nhưng, ngày càng có nhiều người đi hái nên các loại rau màu mọc hoang không còn nhiều, người dân chuyển sang trồng nhưng do không được tập huấn kỹ thuật bị sâu rầy phá hại, người dân dùng thuốc phòng trừ nên không an toàn thực phẩm.

Gần đây, nhiều nông dân khi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng màu, giờ biết cách trồng rau sạch, tưới nước bằng tự động nên giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động, tăng thêm lợi nhuận.

Đến thăm vườn rau màu của ông Nguyễn Hoàng Hanh, ngụ xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, chỉ diện tích hơn 500 m2, nhưng ông trồng cùng lúc các loại cà chua, đu đủ; trong đó phải kể đến là trồng hành lá trong nhà lưới. Ông Hanh có trên năm 20 kinh nghiệm trồng màu và nhờ được chuyển giao, tập huấn kỹ thuật trồng màu theo hướng an toàn nên cho gia đình thu nhập khá.

Ban đầu khi thực hiện mô hình rau sạch trong nhà lưới, ông cảm thấy lo lắng vì đây là mô hình mới. Trước đây nếu trồng màu theo cách truyền thống, thấy xuất hiện sâu thì xịt thuốc phòng trừ. Khi thực hiện theo mô hình này không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cung cấp đủ nước, giữ độ ẩm, bón phân hữu cơ cho rau màu. Sau thời gian lo lắng, ông cũng thấy an tâm hơn khi hiệu quả mang lại trong mô hình mới.

Hiện nay, tổng diện tích trồng màu các loại trên địa bàn huyện có trên 1.800 ha, sản lượng trên 41.000 tấn/năm, trong đó mô hình trồng rau ăn lá 309 ha. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Ông Nguyễn Hoàng Hanh cho biết, theo tập quán từ lâu, thấy sâu phá hoại thì nông dân dùng thuốc xịt, dẫn đến nguồn rau xanh bị niễm thuốc bảo vệ thực vật. Từ khi được tập huấn trồng rau sạch, rau an toàn, ông Hanh về áp dụng vào vườn rau gia đình. Không chỉ đạt chất lượng rau sạch, giảm được chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, công tưới nước, làm cỏ, lại cho thu hoạch cao hơn trước.

Nhận thấy mô hình trồng rau sạch đem lại hiệu quả, ông Nguyễn Phước Hòa, ngụ ấp Công Sự, xã An Minh Bắc sang học hỏi kinh nghiệm trồng màu từ gia đình ông Hanh, sau đó ông về trồng 1.000 m2 rau màu gồm hành lá, cải xanh, rau má, rau muống. Những ngày qua do thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng những luống rau màu nhà ông Hòa vẫn tươi xanh, phát triển tốt không có hiện tượng héo lá hay sâu bệnh nào.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng, ưu điểm mô hình trồng rau sạch, trồng trong nhà lưới làm giảm ánh sáng nhiệt độ trong mùa khô, hạn chế thời nước trong mùa mưa. Ngoài ra, màng lưới có tác dụng ngăn chặn các loại sâu bướm, côn trùng gây hại, tấn công trên rau. Vì vậy nhẹ công chăm sóc, giảm chi phí vật tư.

Để phát triển mô hình trồng màu theo hướng an toàn, bền vững, năm 2018, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng trích kinh phí từ ngân sách xây dựng mô hình thí điểm trồng rau sạch trong nhà lưới, với mức hỗ trợ 60% tổng kinh phí và chuyển giao quy trình kỹ thuật.

Đến nay, toàn huyện U Minh Thượng xây dựng được 7 nhà lưới; trong đó có 2 nhà lưới được hỗ trợ, 5 nhà lưới do nông dân tự đầu tư. Dự kiến trong năm 2019, huyện U Minh Thượng sẽ tiếp tục mở rộng diện tích từ 4 - 6 ha rau sạch đạt chuẩn chứng nhận VietGAP.

Dự kiến trong năm 2019, huyện U Minh Thượng sẽ tiếp tục mở rộng diện tích từ 4 - 6 ha rau sạch đạt chuẩn chứng nhận VietGAP. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Theo ông Huỳnh Thanh Tuấn, Phó Trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng, sau gần một năm triển khai mô hình trồng rau màu trong nhà lưới và tưới nước tự động theo hướng an toàn thực phẩm, đến nay diện tích trồng màu tăng lên.

Sắp tới, huyện sẽ tập trung hướng cho nông dân trồng rau màu bản địa như: rau nụ áo, cơm thất, rau đắng đất, muống đồng…; đồng thời đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra, chứng nhận an toàn cho sản phẩm làm ra của nông dân.

Hiện nay vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm hàng đầu, làm sao để có sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng luôn đặt ra câu hỏi bấy lâu nay.

Trước xu hướng thị trường, với cách làm của nông dân huyện U Minh Thượng xây dựng mô hình trồng màu theo hướng an toàn, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất hóa học là hướng đi đúng đắn; trong đó mô hình trồng rau trồng nhà lưới cần phát triển và nhân rộng nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch phục vụ người tiêu dùng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

>>> Công nghệ trồng rau sạch của Việt Nam tìm chỗ đứng tại Singapore

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục