Ukraine tăng thuế thu nhập cá nhân trong bối cảnh xung đột

09:02' - 30/11/2024
BNEWS Việc tăng thuế sẽ giúp bổ sung khoảng 140 tỷ hryvnia (3,4 tỷ USD) thu ngân sách vào năm tới, sử dụng cho các hoạt động quốc phòng của Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký ban hành luật tăng thuế thu nhập cá nhân, có hiệu lực từ ngày 1/12. Đây là đợt tăng thuế đầu tiên được triển khai không phải trong thời bình.

Bộ trưởng Tài chính Serhiy Marchenkko cho biết dự luật này rất quan trọng để đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho ngành quốc phòng Ukraine vào năm tới.

 

Theo quyết định mới, thuế thu nhập cá nhân sẽ tăng từ mức 1,5% lên 5%. Bên cạnh đó, một số khoản thuế khác cũng tăng gồm các khoản thanh toán tiền thuê nhà, thuế đánh vào lợi nhuận của các ngân hàng thương mại ở mức 50% và thuế đánh vào lợi nhuận của các tổ chức tài chính khác tăng lên 25%.

Việc tăng thuế sẽ giúp bổ sung khoảng 140 tỷ hryvnia (3,4 tỷ USD) thu ngân sách vào năm tới, sử dụng cho các hoạt động quốc phòng của Ukraine.

Động thái tăng thuế trong bối cảnh xung đột là chủ đề nhạy cảm và gây nhiều tranh cãi ở Ukraine, khi tình trạng đói nghèo gia tăng và nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Marchenko cho biết tăng thuế cũng là một bước quan trọng đối với chương trình tài chính của Ukraine với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Chính phủ Ukraine và IMF đã đạt được thỏa thuận cho phép Kiev tiếp cận khoảng 1,1 tỷ USD, nhưng ban điều hành Quỹ vẫn phải cân nhắc về thỏa thuận này.

Theo Bộ trưởng Marchenko, chi tiêu quân sự của Ukraine chiếm khoảng 1/2 ngân sách năm của đất nước. Chính phủ đặt mục tiêu chi tiêu quân sự vào khoảng 2.200 tỷ hryvnias vào năm tới, gần bằng mức của năm nay. Kiev trả lương cho binh lính và sản xuất vũ khí trong nước bằng nguồn thu nhà nước, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ tài chính từ các đối tác phương Tây để trang trải chi tiêu xã hội và nhân đạo.

Bộ trưởng Marchenko cho biết nhu cầu tài chính bên ngoài của Ukraine sẽ đạt khoảng 38,4 tỷ USD vào năm tới. Mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức khoảng 19,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2025, giảm so với mức khoảng 24% được đặt ra cho năm nay. Chính phủ có kế hoạch trang trải thâm hụt của năm sau bằng nguồn tài trợ từ IMF, Liên minh châu Âu  (EU) và cả nguồn tiền từ khoản vay 50 tỷ USD theo cam kết của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) và được bảo đảm bằng tài sản bị đóng băng của Nga.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục