Ứng dụng công nghệ cao trong bảo vệ và phát triển rừng

18:24' - 30/11/2017
BNEWS Việt Nam đã có những hệ thống, thiết bị ứng dụng công nghệ thông minh trong việc bảo vệ rừng và phát triển rừng.
Việt Nam đã có những hệ thống, thiết bị ứng dụng công nghệ thông minh trong việc bảo vệ rừng và phát triển rừng. Ảnh minh họa: Đặng Tuấn - TTXVN

Ngày 30/11, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Công ty cổ phần ADPEX tổ chức hội thảo “Lâm nghiệp Việt Nam với cách mạng công nghiệp 4.0: Ứng dụng công nghệ cao trong bảo vệ và phát triển rừng”.

Theo GS. Vương Văn Quỳnh, Đại học Lâm nghiệp, hiện nay, Việt Nam đã có những hệ thống, thiết bị ứng dụng công nghệ thông minh trong việc bảo vệ rừng và phát triển rừng. Trong lĩnh vực bảo vệ rừng, hiện đang có công nghệ phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng chống dịch bệnh cây rừng.

Trước đây phòng cháy, chữa cháy dự báo bằng thủ công nhưng nhờ hệ thống tự động thu thập thông tin ở các khu rừng dễ cháy, tích hợp số liệu về rừng, thời tiết, địa hình để dự báo nguy cơ cháy cho từng trạng thái rừng và tự động gửi thông tin đến các đơn vị, chủ rừng có đăng ký. Cục Kiểm lâm đã có trạm quan trắc thời tiết riêng để phục vụ cho dự báo, cảnh báo.

Khi có nguy cơ cháy rừng cao, hệ thống cũng tự động xây dựng các biện pháp phòng cháy ở từng khu rừng và gửi đến các đơn vị quản lý rừng. Khi có cháy, hệ thống cũng tự động xây dựng phương án chữa cháy rừng cho từng khu rừng, từng trạng thái rừng một cách hiệu quả nhất. Phương án cũng sẽ được chuyển ngay đến cho các lực lượng chuyên môn tham gia chữa cháy.

GS. Vương Văn Quỳnh cho biết:

"Hiện nay chúng ta đang phát triển các thiết bị có thể phát hiện các đám cháy, nhưng hiện mới ở bước nghiên cứu, thử nghiệm. Về phòng chống dịch bệnh cũng tích hợp các thông tin cần thiết để dự báo nguy cơ sâu bệnh hại cho từng khu rừng, chủ rừng. Trong phát triển rừng, nhiều công nghệ đa dạng từ trồng rừng, khai thác, vận chuyển, chế biến đang hướng đến tự động hóa, nhất là trong khâu trồng, khai thác, chế biến. Ví dụ, trồng rừng trong điều kiện khó khăn, ở độ dốc cao… hay phát triển các thiết bị có thể tự động đóng mở cống để duy trì nước ở khu rừng ngập nước, thiết bị tự động tưới tiêu…"

GS. Vương Văn Quỳnh cho rằng, hiện nay điều kiện xã hội, hạ tầng tốt để phát triển các loại công nghệ tự động hóa, phát triển cơ giới hóa trong bảo vệ và phát triển rừng.

Một ứng dụng công nghệ cao khác là ứng dụng DNA mã vạch (DNA Barcode) trong công tác quản lý giống cây lâm nghiệp và lâm sản. PGS.TS. Hà Văn Huân, Đại học Lâm nghiệp cho biết, DNA Barcode được xem là một công nghệ mới, giải pháp mới rất có hiệu quả trong công tác quản lý: chất lượng; nguồn gốc, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý; bảo hộ thương mại, bản quyền sản phẩm. Bởi căn cứ vào ngân hàng dữ liệu gen quốc tế và Việt Nam, DNA barcode giúp có thể nhận diện, phân biệt sinh vật này với sinh vật khác; sản phẩm này với sản phẩm khác…

Theo ông Phạm Hồng Lượng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp, Luật Lâm nghiệp vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua, trong đó có một chương về khoa học công nghệ; trong đó có các chính sách khuyến khích phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực giống cây trồng, sinh học, chế biến gỗ…

Với các chính sách cụ thể dưới Luật sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao những tiến bộ về khoa học công nghệ trong lâm nghiệp thời gian tới./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục