Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số giúp hợp tác xã tăng lợi nhuận 2,5 lần

10:32' - 31/03/2024
BNEWS Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất kinh doanh đã mang lại lợi nhuận cao hơn cho các hợp tác xã truyền thống ở Ninh Bình từ 2 đến 2,5 lần, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên.

Xác định chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể có ý nghĩa quan trọng, Liên minh hợp tác xã tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ các hợp tác xã không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ số để tạo sản phẩm chất lượng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh. Qua đó, tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh cũng như thích ứng với xu thế chuyển đổi số.

Bắt nhịp chuyển đổi số

Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn, thành phố Tam Điệp được thành lập từ năm 2019. Với lợi thế được sản xuất từ dược liệu, các sản phẩm của hợp tác xã dần được nhiều khách hàng đặt niềm tin và lựa chọn. Tuy nhiên đến năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát khiến cho hình thức bán hàng truyền thống bị ngưng trệ.

Hợp tác xã đã nhanh chóng chuyển hướng sang bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử, website, mạng xã hội… Với không gian mua bán hiện đại, được phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng thông qua các sàn bán hàng trực tuyến đã giúp hợp tác xã ổn định kinh doanh và chủ động về đầu ra cho sản phẩm của mình.

 

Hiện mỗi năm hợp tác xã cung ứng ra thị trường từ 10.000 đến 12.000 sản phẩm. So với thời điểm ban đầu, doanh thu của hợp tác xã đã tăng gấp 3-4 lần nhờ bán hàng trực tuyến. Chị Đinh Thị Loan, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn cho biết, nhận thấy hình thức bán hàng trực tuyến có nhiều ưu điểm vượt trội so với bán hàng truyền thống, hợp tác xã đã đi sâu vào nghiên cứu, tích hợp các ứng dụng công nghệ để thay đổi cách thức quản lý bán hàng, thay đổi mô hình kinh doanh. Khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ linh hoạt trong khâu bán hàng, nên quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng, tạo việc làm cho gần 100 thành viên, doanh thu tăng gấp đôi so với trước kia.

Tuy mới đưa ra thị trường từ năm 2023 nhưng nhờ hương vị thơm ngon, lại được sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có tem nhãn đầy đủ nên các sản phẩm của Hợp tác xã ốc nhồi Ninh Bình, thành phố Tam Điệp được thị trường đón nhận tích cực. Năm 2023 vừa qua, hợp tác xã đã đưa ra thị trường được hơn 11 tấn ốc thương phẩm thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Có được kết quả trên là do hợp tác xã đã từng bước ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững.

Anh Đỗ Ba Duy, Giám đốc Hợp tác xã ốc nhồi Ninh Bình cho biết: ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách tiện lợi, nhanh chóng và cắt giảm được các khâu phân phối cồng kềnh cũng như nhiều chi phí phát sinh khác. Nhờ đó, dù sản lượng mỗi năm lên tới hàng chục tấn ốc thương phẩm song hợp tác xã gần như chưa khi nào gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Thời gian qua, một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đầu tư phát triển đa dạng các kênh bán hàng trực tuyến, từ đó mở rộng đối tượng khách hàng, nâng cao doanh số và gia tăng lợi nhuận. Mặc dù mới chỉ dừng ở mức ứng dụng công nghệ hiện đại ở một số khâu trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhưng có thể thấy, chuyển đổi số trong các hợp tác xã đã dần hiện hữu, đem lại những tín hiệu tích cực, góp phần tạo nên sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho các hợp tác xã.

Tạo đà cho chuyển đổi số

Đến nay, đã có 338/509 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ứng dụng công nghệ số vào một trong các hoạt động quản lý, sản xuất hoặc quảng bá sản phẩm. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất kinh doanh đã mang lại lợi nhuận cao hơn cho các hợp tác xã truyền thống từ 2 đến 2,5 lần, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên và giảm nghèo bền vững khu vực nông thôn.

Để giúp các hợp tác xã thích ứng và tạo đà cho chuyển đổi số, thời gian qua, Liên minh hợp tác xã tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ chuyển giao phần mềm kế toán, phần mềm quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc cho hơn 100 hợp tác xã; xây dựng, chuyển giao mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 3 hợp tác xã sản xuất thảo dược; hỗ trợ xây dựng website; tập huấn kiến thức cơ bản về chuyển đổi số; giới thiệu và thăm quan thực tế các mô hình công nghệ số ứng dụng trong hoạt động sản xuất của các hợp tác xã…

Năm 2023, Liên minh hợp tác xã cũng chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình xây dựng và triển khai giải pháp quản lý sản xuất, kết nối thị trường phục vụ chuyển đổi số cho 4 hợp tác xã. Đây là công cụ giúp các hợp tác xã tuân thủ tốt hơn các quy định trong quản lý nội bộ hợp tác xã, quy trình sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Ngoài ra, tổ chức tập huấn cho trên 1.000 lượt cán bộ quản lý, thành viên, người lao động trong hợp tác xã về quản trị hợp tác xã, kê khai thuế điện tử, kỹ năng điện tử, tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại, ứng dụng chuyển đổi số... Sản phẩm của các hợp tác xã tiếp tục được quan tâm, giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên các kênh thông tin, tuyên truyền.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc chuyển đổi số trong hợp tác xã hiện vẫn còn nhiều khó khăn; trong đó, rào cản lớn nhất là năng lực, trình độ của cán bộ quản lý hợp tác xã nói chung còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh vẫn đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Phần lớn các hợp tác xã đều có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu nên gặp khó trong việc phát triển thị trường.

Ông Bùi Đức Ngọc, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình cho biết, để tháo gỡ khó khăn trên, thời gian tới, Liên minh hợp tác xã tỉnh tiếp tục tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức, tư vấn phương án chuyển đổi số phù hợp cho các hợp tác xã.

Đồng thời, xây dựng và nhân rộng một số mô hình hợp tác xã chuyển đổi số hiệu quả; chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng các mô hình chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, dịch vụ trong các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt là hỗ trợ phần mềm quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục